Trung Quốc đã đặt toàn bộ nền kinh tế vào tình trạng “đóng băng sâu” để chống chọi với đại dịch Covid-19, nhưng “băng tan” không có nghĩa là việc mở cửa trở lại sẽ dễ dàng và mọi thứ sẽ nóng lên nhanh chóng để bùng nổ.
Kinh tế Trung Quốc – Một góc nhìn vẫn chưa ổn, không thể ‘gánh team’ cho cả thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Bước sang năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu nhiều nơi bết bát, thế giới đặt hết niềm tin vào sự trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau thời kỳ “đóng băng” do đại dịch Covid-19.
“Tia sáng trên một bầu trời ảm đạm”
Các nhà kinh tế và nhà đầu tư thế giới ra sức “cổ vũ” cho Bắc Kinh sớm kết thúc chính sách Zero Covid, với kỳ vọng, sau nhiều năm đóng cửa và bị kìm hãm sản lượng, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự bùng nổ ngay sau đó.
Thời điểm mong đợi cuối cùng đã đến, ngày 8/1/2023, Bắc Kinh chính thức tuyên bố mở cửa sau 3 năm thực hiện chính sách “đóng chặt” nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Đây là một tin tuyệt vời cho toàn thế giới – mọi người sẽ được hưởng lợi từ việc nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu mạnh mẽ trở lại.
Nhưng 6 tháng đã trôi đi, sự mong chờ của giới đầu tư ở Phố Wall đã mòn mỏi. Sự phục hồi để bùng nổ về kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch không mạnh mẽ như mong đợi. Sản xuất công nghiệp gây thất vọng; thương mại – cả nhập khẩu và xuất khẩu – đều cho thấy chậm lại rõ rệt.
Nợ ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bất động sản – nơi chiếm tới 30% nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì nhiều lý do khác nhau, các đối tác thương mại toàn cầu cảm thấy không được thoải mái, đồng thời tỏ rõ lo ngại về vai trò ngày càng tăng của chính phủ trong nền thương mại của đất nước. Khu vực tư nhân – vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phần lớn sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa “thức giấc”.
Giới quan sát bình luận, việc mở cửa trở lại không thành công không chỉ là một sự thất vọng ngắn hạn, đó còn là dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ như nền kinh tế Trung Quốc đã từng, nay đã biến mất.
Các cơ chế thúc đẩy “phép màu Trung Quốc” trong một quá trình chuyển đổi kéo dài ba thập niên qua và đưa nền kinh tế này trở thành một lực lượng quốc tế mạnh mẽ đã không còn như trước.
Bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc cuối cùng đã nổ. Và vì vai trò trung tâm của bất động sản trong nền kinh tế, “quá trình đau đớn” để hấp thụ những khoản lỗ đó sẽ tiếp tục hút tiền từ các hộ gia đình, ngân hàng và mạng lưới chính quyền địa phương khổng lồ của nền kinh tế.
Dân số trong độ tuổi lao động của nền kinh tế quốc gia Đông Bắc Á này đang già đi và có ít người trẻ hơn để thay thế họ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại của đất nước.
Xuất khẩu vẫn là chìa khóa của nền kinh tế, nhưng lại bị đặt trong bối cảnh mới – với nhiều quốc gia từng ủng hộ thương mại tự do đang chuyển từ chủ nghĩa toàn cầu hóa sang chủ nghĩa bảo hộ.
Trái ngược với sự sụt giảm trong quá khứ, có vẻ như nay Bắc Kinh sẽ không can thiệp nhiều để đảo ngược xu hướng đi xuống này. Thay vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuẩn bị cho người dân của mình một kỷ nguyên tăng trưởng thấp hơn, nhưng hướng tới các mục tiêu khác về chất lượng và một cấu trúc kinh tế mới.
Câu hỏi được giới đầu tư Phố Wall đặt ra lúc này là có nên tiếp tục đầu tư ở đó nữa hay không?
Câu trả lời là, không còn nhiều hứa hẹn ở nơi đây, bởi thay vì sự phục hồi mạnh mẽ như Phố Wall mong đợi, người ta đang chứng kiến một Trung Quốc rất khác. Như nhà quản lý Quỹ phòng hộ huyền thoại Stanley Druckenmiller – người vốn lâu nay rất tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế số 1 châu Á, lại vẽ một bức tranh không tươi sáng về tương lai đầu từ tại Trung Quốc, ở Hội nghị Đầu tư Bloomberg hồi tháng 6 vừa qua.
Không còn đánh giá cao sự năng động của nền kinh tế này trong 10 đến 15 năm nữa, chuyên gia Stanley Druckenmiller thậm chí còn cho rằng, “Trung Quốc không còn là một thách thức lớn đối với Mỹ về sức mạnh kinh tế và tăng trưởng”.
Tuy nhiên, lập luận của Bank of America vẫn khẳng định, trong khi suy thoái sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, thì Trung Quốc sẽ vẫn là một “ngoại lệ đáng chú ý” và việc trở lại của nền kinh tế này là những “tia sáng trên một bầu trời ảm đạm”.
“Sự bùng nổ” chỉ đến muộn một chút?
Nhưng trên thực tế, những gì nền kinh tế hàng đầu châu Á làm được trong những tháng qua vẫn không được tốt. Vào tháng 4/2023, dữ liệu kinh tế Trung Quốc phần lớn yếu kém trên diện rộng.
Một cuộc khảo sát các giám đốc điều hành sản xuất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, hoạt động sản xuất ở nước này bất ngờ bị thu hẹp. Sản xuất công nghiệp – một thước đo khác về số tiền mà một quốc gia đang kiếm được, đã tăng 5,9% so với tháng Ba – vững chắc, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,6% mà các nhà phân tích mong đợi.
Còn thị trường bất động sản – một phần quan trọng trong nguồn thu của chính phủ, cũng bị đình trệ, với doanh số giảm tới 22% trong quý đầu tiên của năm 2023.
Nhà kinh tế Wei Yao của Societe Generale tính toán rằng, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ so với tháng trước về cơ bản là bằng 0.
Các nhà phân tích lại hy vọng vào tháng 5/2023. Với một số biến động khả quan, doanh số bán ô tô dường như đang phục hồi, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ bất ngờ khi đi lên, các chỉ số về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện trong tháng thứ ba liên tiếp…
Nhưng điều đó không có nghĩa là sự bùng nổ chỉ đến muộn một chút. “Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang mở cửa trở lại, nhưng nó sẽ không hoạt động mạnh mẽ như trước”, Leland Miller, người sáng lập China Beige Book – một dịch vụ khảo sát các doanh nghiệp Trung Quốc nhận định.
Theo vị chuyên gia này, sự phục hồi rất mong manh.
Vấn đề là trong khi chi tiêu của người tiêu dùng có thể tăng lên, nhưng động lực lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc – bất động sản và xuất khẩu – sẽ không hoạt động tốt.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 37% nền kinh tế Trung Quốc (ở Mỹ con số này là khoảng 70%). Vì vậy, việc người tiêu dùng quay trở lại hoạt động bình thường là hữu ích, nhưng nó không đủ để hỗ trợ nền kinh tế.
Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện được quá trình mở cửa trở lại thần kỳ như Phố Wall mong muốn, nếu các bánh xe của cỗ máy bất động sản và xuất khẩu khổng lồ của họ không thể hoạt động.
Bắc Kinh đã cố gắng chuyển nền kinh tế đất nước sang mô hình tiêu dùng, giống như Mỹ, nhưng xuất khẩu vẫn chiếm 20% nền kinh tế Trung Quốc.
Trong tháng 5, các chuyến hàng xuất đi đã giảm 7,5%, lần giảm đầu tiên trong năm nay. Sự sụt giảm phần lớn là do suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung, nhưng một phần còn do tình hình cạnh tranh địa chính trị đang bất lợi hơn đối với Bắc Kinh.
Nhập khẩu – một chỉ số quan trọng về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc, cũng chậm lại.
Bắc Kinh đã đặt toàn bộ nền kinh tế vào tình trạng “đóng băng” sâu trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhưng điều đó không có nghĩa là việc mở cửa trở lại sẽ dễ dàng và mọi thứ sẽ nóng lên nhanh chóng.
Chuyên gia Miller dự báo, “mọi thứ sẽ được cải thiện vào năm 2023, nhưng sau đó sẽ là những vấn đề về cấu trúc có thể khiến mọi thứ chậm lại vào năm 2024, 2025”. Sau đó nữa, nền kinh tế Trung Quốc có thể mạnh mẽ trở lại như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong và ngoài nền kinh tế khổng lồ này.