Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ước tính 5,2% vào năm 2023, Thủ tướng Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, ngày 16/1, khi ông nhắc lại cam kết của nước này trong việc tạo ra “điều kiện thuận lợi” cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, ngày 16/1. (Nguồn: Bloomberg) |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết: “Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi và đi lên, với mức tăng trưởng ước tính khoảng 5,2%, cao hơn mục tiêu khoảng 5% mà chúng tôi đặt ra vào đầu năm ngoái”.
Trong bài phát biểu quan trọng trước sự tập hợp của các nhà lãnh đạo thế giới, các công ty và chuyên gia kinh tế hàng đầu, Thủ tướng Lý Cường đã đề cập sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và đưa ra quan điểm bảo vệ toàn cầu hóa.
Phát biểu tại Davos, một thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng nằm trên dãy Alps của Thụy Sỹ, người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc đã so sánh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với một “dãy núi nhấp nhô với những đỉnh núi hùng vĩ”.
“Những người bạn châu Âu đã dạy tôi rằng, để cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ của dãy Alps, người ta phải phóng tầm mắt ra xa và nhìn thật xa. Theo tôi thấy, nền kinh tế Trung Quốc cũng vậy, người ta phải mở rộng tầm nhìn và có cái nhìn toàn cảnh để nhìn được bức tranh toàn cảnh một cách khách quan và toàn diện”, Thủ tướng Lý Cường ví von.
Đồng thời cho biết, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau Covid-19, Trung Quốc “không sử dụng các biện pháp kích thích lớn hay tìm kiếm sự tăng trưởng ngắn hạn, tích lũy rủi ro dài hạn mà thay vào đó tập trung vào “tăng cường các động lực nội bộ”.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, giống như một người khỏe mạnh thường có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc có thể xử lý những thăng trầm trong hoạt động của mình. “Xu hướng tăng trưởng dài hạn chung sẽ không thay đổi”, ông nói thêm.
Cựu Bí thư Thượng Hải cũng cố gắng xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư châu Âu khi phương Tây kêu gọi các công ty nên suy nghĩ lại về các khoản đầu tư tại Trung Quốc trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Trao đổi với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và “những người bạn cũ”, ông Lý Cường đã chỉ ra lợi tức đầu tư trực tiếp nước ngoài là “khoảng 9%” trong 5 năm qua ở Trung Quốc, nói rằng thị trường Trung Quốc “không phải là rủi ro mà là cơ hội”.
“Trung Quốc vẫn kiên quyết cam kết mở cửa, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thế giới chia sẻ cơ hội của Trung Quốc”, ông nói. Tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra các đề xuất an ninh kinh tế của riêng EU với các chi tiết mới về kế hoạch sàng lọc các khoản đầu tư của các công ty châu Âu vào một số lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra vào tháng trước tại Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường cũng tuyên bố sẽ lắng nghe những lo ngại của các doanh nghiệp nước ngoài, và cam kết này tiếp tục được ông nhắc lại tại Davos.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên lắng nghe quan điểm của các doanh nghiệp nước ngoài và vì những lo ngại hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tích cực để giải quyết chúng”, đồng thời cho biết thêm Bắc Kinh đang nỗ lực giải quyết các yêu cầu xóa bỏ rào cản đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới, tham gia vào hoạt động mua sắm của chính phủ và đầu tư nước ngoài vào sản xuất.
Trong một đòn tấn công ngầm nhằm vào Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc cho biết cam kết đối với chủ nghĩa đa phương là “một phép thử để xem liệu Washington có hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế đúng hạn hay không?”. Tương lai của Mỹ tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được đánh giá là sẽ bị đe doạ nếu ứng cử viên đảng Cộng hoà lên nắm quyền.
Ông cũng gián tiếp nhắm vào các chính sách về khí hậu của EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon mà Bắc Kinh từ lâu tuyên bố là mang tính phân biệt đối xử và sẽ gây tổn hại cho các nước đang phát triển. Li nói: “Các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải hợp tác mạnh mẽ hơn trong quản lý khí hậu thường đi kèm với các hành động dựng lên các rào cản đối với thương mại xanh”.
Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Đối mặt với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, những phản ứng rời rạc và riêng biệt sẽ chỉ khiến nền kinh tế thế giới trở nên mong manh hơn”.
(theo SCMP)