Kinh tế Trung Quốc bất ngờ “quay xe” trong tháng 8/2023, với loạt tín hiệu vui được công bố. Chuyên gia nhận thấy, “có một cảm giác lạc quan ngày càng tăng trong một nhóm các nhà đầu tư tin vào các sáng kiến gần đây của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế và ổn định thị trường tài chính”.
Dữ liệu tháng 8 của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy có ‘sự cải thiện nhẹ’. (Nguồn: Reuters) |
Điều tồi tệ nhất đã qua?
Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm nay (ngày 15/9) cho thấy, sản xuất công nghiệp – đo lường sản lượng từ các lĩnh vực như sản xuất và khai thác mỏ – đã tăng 4,5% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Doanh số bán lẻ – thước đo mức tiêu dùng – đã tăng 4,6% so với một năm trước đó và cũng tăng so với mức tăng 2,5% được ghi nhận trong tháng 7.
Sản xuất công nghiệp tăng 4,5% trong tháng 8 so với một năm trước, tốt hơn mức dự báo 3,9% và nhanh hơn mức tăng 3,7% được báo cáo trong tháng 7. Trong danh mục đó, sản xuất thiết bị đã tăng 5,4% so với một năm trước. Sản lượng pin mặt trời và robot dịch vụ đã tăng hơn 70% so với một năm trước.
Bản công bố của NBS về dữ liệu tháng 8 của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy có “sự cải thiện nhẹ”.
Cơ quan này thông tin: “Nền kinh tế đã thể hiện đà phục hồi tốt và các yếu tố tích cực được tích lũy. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, nhiều yếu tố bất ổn ở môi trường bên ngoài vẫn tồn tại”.
Theo CNN, có nhiều bằng chứng cho thấy, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài hai năm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn lâu mới kết thúc.
Sino-Ocean – một nhà phát triển bất động sản lớn được nhà nước hậu thuẫn – cho biết, họ sẽ tạm dừng trả các khoản vay nước ngoài. Đây là dấu hiệu chứng minh, cuộc khủng hoảng tài sản đang diễn ra có thể tiếp tục đè nặng lên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Đầu tư vào tài sản cố định – bao gồm cơ sở hạ tầng và xây dựng – tăng 3,2% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Con số này yếu hơn một chút so với mức 3,4% trong 7 tháng đầu năm 2023.
Theo NBS, đầu tư bất động sản đã giảm 8,8% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn cũng giảm 7,1%.
Người phát ngôn của cơ quan trên, ông Fu Linghui cho hay, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn “điều chỉnh” và ghi nhận sự sụt giảm về doanh số và đầu tư. Ông thông tin rằng, lĩnh vực bất động sản sẽ phục hồi khi những chính sách gần đây được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đưa ra có hiệu lực.
Ngày 14/9, Moody’s đã hạ triển vọng đối với toàn bộ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, với lý do doanh số bán nhà ở sụt giảm và tiếp tục lo lắng về tình hình hoạt động của ngành.
Tuy nhiên, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie Group cho rằng, điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – nơi đang phải vật lộn với nhu cầu xuất khẩu yếu từ thị trường toàn cầu và sự sụt giảm bất động sản tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Ông nhấn mạnh: “Trong tương lai, các con số tăng trưởng chung có thể cải thiện nhờ hỗ trợ chính sách và tác động cơ bản”.
Nhà kinh tế trưởng Louise Loo của Oxford Economics cũng lạc quan: “Số liệu sản xuất công nghiệp và dịch vụ mới nhất cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay”.
Biện pháp vực dậy tăng trưởng có dấu hiệu thành công
Nhận định về dữ liệu mới công bố của Trung Quốc, ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho rằng: “Có một cảm giác lạc quan ngày càng tăng trong một nhóm các nhà đầu tư tin vào các sáng kiến gần đây của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế và ổn định thị trường tài chính. Những sáng kiến này đang có dấu hiệu thành công.
Điều cần thiết là phải thận trọng. Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình và dữ liệu tích cực xuất hiện trong một tháng không đủ để xác nhận con đường phục hồi bền vững”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ảm đạm kể từ tháng 4 năm nay, khi đà tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm bắt đầu mờ nhạt. Kể từ đó, chính phủ đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm vực dậy tăng trưởng.
Đơn cử như tại thị trường chứng khoán, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã triển khai 3 gói biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường, bao gồm giảm 50% thuế chuyển nhượng đối với giao dịch cổ phiếu, giảm tỷ lệ tiền gửi để tài trợ ký quỹ, qua đó giảm bớt chi phí giao dịch cho nhà đầu tư.
CSRC cũng cam kết tối ưu hóa quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo hướng cân bằng hơn, đồng thời thắt chặt quy định đối với việc các cổ đông lớn bán cổ phiếu, từ đó bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tại thị trường bất động sản, giới chức Trung Quốc đề xuất các lãnh đạo địa phương bỏ quy định không cho phép người từng mua nhà trả góp được coi là mua nhà lần đầu tại các thành phố lớn.
Về tiêu dùng, hơn 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng, từ đồ điện gia dụng đến nội thất. Giới chức địa phương được khuyến khích giúp người dân cải tạo nhà. Người dân cũng sẽ được hỗ trợ tín dụng để mua đồ đạc.
Về doanh nghiệp tư nhân, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) cho biết, sẽ thúc đẩy cơ chế nhằm ghi lại và giảm các hành động không đúng mực của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, như chậm thanh toán hay vi phạm hợp đồng thu mua, đấu thầu. Động thái này nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân.
NDRC cũng cam kết tăng cho vay và gia hạn các chính sách hỗ trợ vốn khác với doanh nghiệp nhỏ. Họ khuyến khích các công ty rót vốn vào ngành công nghiệp chủ chốt như giao thông, nước, năng lượng sạch, sản xuất tiên tiến và thiết bị nông nghiệp hiện đại. Các chính quyền địa phương đã đưa ra danh sách hơn 2.900 dự án, tổng trị giá 3.200 tỷ Nhân dân tệ (445 tỷ USD) mà các doanh nghiệp có thể đầu tư.
Mới nhất, ngày 14/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng xuống 25 điểm cơ bản, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và cải thiện tính thanh khoản trong hệ thống tài chính. Lần gần đây nhất PBOC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng là 25 điểm cơ bản vào tháng 3/2023.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “mạnh mẽ và kiên cường”.
Bà nhấn mạnh: “Tất cả các loại bình luận dự đoán sự sụp đổ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu”.