Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, nhiều chỉ tiêu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ. Đến nay, có 77/217 nhiệm vụ hoàn thành, trong đó có 9/30 nhiệm vụ trọng tâm; 68/187 nhiệm vụ thường xuyên.
Nổi bật, tình hình sản xuất thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15.431,8 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, toàn tỉnh đón 1,38 triệu lượt khách, tăng 20,5%, doanh thu ước đạt 2.253 tỷ đồng, tăng 42,6% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp đạt tín hiệu khả quan. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng có mức tăng cao nhất với 44,38%.
Nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển và đóng góp cho tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Thời tiết thuận lợi cho khai thác thủy sản, 95% tàu cá tham gia đánh bắt, sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 8.125 tấn, tăng 3%, lũy kế 5 tháng ước đạt 42.436 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ, góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản đạt 45.994,5 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2019-2023; hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC được tăng cường triển khai, không phát hiện trường hợp vi phạm. Sản xuất tôm giống tiếp tục tăng trưởng; công tác chuyển đổi đối tượng nuôi mới tiếp tục phát huy hiệu quả.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên
Thu chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng trên 1.527 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch. Hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định, an toàn, nợ xấu được kiểm soát; các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển KT-XH tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đến cuối tháng 5/2023 huy động vốn đạt 21.400 tỷ đồng, tăng 5,12%; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 39.300 tỷ đồng, tăng 5,84% so với cuối năm 2022, bằng 95,35% kế hoạch năm, mặt bằng lãi suất có bước cải thiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh đã tổ chức Hội nghị giao ban xây dựng cơ bản, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa phương và tập trung chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án. Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn, thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu tại tỉnh.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được thực hiện theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, xã hội của các tầng lớp nhân dân; dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, lao động, giảm nghèo được quan tâm, thực hiện tốt. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an toàn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tập trung triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Tiến Mạnh
Trọng tâm, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ hè – thu gắn với triển khai hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cánh đồng lớn; tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả và quản lý chặt chẽ quy hoạch 3 loại rừng theo Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Tập trung chỉ đạo triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phước Tiến, Hiếu Thiện. Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, phát điện. Triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TU của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đôn đốc công tác nộp thuế, thu nợ đọng thuế, khai thác nguồn thu từ đất đai, đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá đất đai, tài sản công. Nâng cao chất lượng tín dụng; đảm bảo hoạt động ngân hàng.
Chỉ đạo tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 và tổ chức các chuỗi sự kiện tại Lễ hội; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2023. Triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh lây nhiễm khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải cách công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Xuân Bính