Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng khá yếu, phần vì chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và đà phục hồi còn chậm của nền kinh tế Trung Quốc, phần vì những tác động tiêu cực của các cuộc xung đột quân sự. Đối với năm 2024, đa số các tổ chức quốc tế đều dự báo các khó khăn vẫn còn ở phía trước và nền kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng chậm lại.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn chậm. Ảnh minh họa: TTXVN
Những làn gió ngược
Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với không ít “những làn gió ngược”. Những tàn dư của dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng năm ngoái vẫn tiếp tục “ám ảnh” đa số các nền kinh tế trên thế giới trong những tháng đầu năm. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới vẫn khá yếu do bất ổn địa-chính trị và những khó khăn kinh tế khiến người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tiếp tục thắt chặt tiền tệ quyết liệt để chống lạm phát. Điều này đã tạo ra lực cản khá lớn, làm chậm tiến trình phục hồi sau đại dịch của nhiều nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đà tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3,0% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2000–2019 là 3,8%.
Theo IMF, đà tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm tốc từ 2,6% năm 2022 xuống còn 1,5% năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng của Mỹ mạnh hơn mong đợi nhưng tăng trưởng ở khu vực đồng euro lại yếu hơn dự báo. Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng giảm nhẹ hơn, từ 4,1% năm 2022 xuống 4,0% trong cả hai năm 2023 và 2024.
Cùng chung quan điểm đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 từ mức 3% trước đó xuống còn 2,9%. OECD dự báo Eurozone chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,6% trong năm 2023, giảm 0,1 điểm so với dự báo trước đó.
Cùng với châu Âu, khu vực Mỹ Latinh và Caribe được dự báo khép lại năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 2,2%. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) ước tính, nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ chỉ tăng trưởng 1,9% trong năm 2024 do tốc độ tạo việc làm chậm, sự tồn tại dai dẳng của những công việc phi chính thức và khoảng cách giới, cùng những tác động khác. ECLAC nhấn mạnh rằng những dự báo cũng phần nào phản ánh mức thấp của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, kinh tế châu Á có dấu hiệu khởi sắc nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hối chuyển về tăng mạnh. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế châu Á trong năm 2023 từ 4,7% trong dự báo trước đó lên 4,9%. ADB nhận định khu vực Đông Á và Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, lần lượt ở mức 4,7% và 5,7% trong năm nay. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại, đạt 4,3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,6%.
Riêng đối với Mỹ, IMF dự báo năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như năm ngoái (2,1%).
Sẽ tiếp tục giảm tốc
Đa số các tổ chức quốc tế đều dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu. Thậm chí, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể sẽ chậm lại khi bất ổn địa chính trị vẫn còn.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2024, tức là thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2023. Đáng chú ý, Mỹ – nền kinh tế đầu tàu của thế giới – có thể chỉ tăng trưởng ở mức 1,5% trong năm 2024, tức là thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm nay, bất chấp những dự báo về khả năng Fed có thể đảo ngược chính sách tiền tệ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Trung Quốc và Nhật Bản khi IMF dự báo các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới chỉ tăng trưởng lần lượt là 4,2% và 1% trong năm tới sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 5% và 2% trong năm nay.
Cùng chung quan điểm đó, OECD đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm tới sẽ chậm lại ở mức 2,7%. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nếu không tính đến năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19.
Đối với ADB, tổ chức này dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2024, tức là thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm nay. Đáng chú ý, theo ADB, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4,5% trong năm tới sau khi đã đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023./.
Thanh Nga