Tăng về số lượng
Theo số liệu của Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh, tính đến tháng 9 năm 2024 toàn tỉnh Đắk Nông có 304 HTX, tăng 26 HTX so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn điều lệ của các HTX là hơn 338 tỷ đồng và hơn 19 nghìn thành viên.
Mặc dù tăng về số lượng, nhưng các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là loại hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, các loại hình kinh tế tập thể về thương mại – dịch vụ – du lịch – môi trường ít phát triển, loại hình về vận tải thì hoạt động rất khó khăn. Trong số 304 HTX đã đăng ký thành lập thì hiện nay chỉ có 234 đang hoạt động, số HTX ngừng hoạt động, xin tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể lên đến 73 HTX.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Thời gian qua, các HTX ở Đắk Nông tuy phát triển đúng hướng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.
HTX Nông nghiệp Thương mại Công Bằng Đắk Ka ở xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp được thành lập năm 2020 với 19 thành viên chính thức, 20 thành viên liên kết. Vùng nguyên liệu 100 ha, chuyên sản xuất cà phê chất lượng cao – cà phê đặc sản.
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX cho biết, mặc dù hiện nay HTX đầu tư dự án nhà xưởng – nhà kho – trụ sở nhưng muốn chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác hoặc đất thương mại dịch vụ để đầu tư phát triển nhưng còn vướng quy hoạch bô xit – quy hoạch chung của tỉnh – kế hoạch sử dụng đất của huyện. Hiện nay HTX rất cần vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất nhưng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo thì mới cho vay. Điều này khiến việc đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất của HTX đang gặp nhiều khó khăn cần được sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương của tỉnh Đắk Nông.
Hợp tác xã sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cũng được thành lập năm 2020. HTX chuyên sản xuất cà chua và dưa lưới. Năm 2022, sản phẩm cà chua và dưa lưới của HTX được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nên có đầu ra ổn định cho diện tích trên 6.000 m2 đất sản xuất trong nhà lồng, sản lượng trung bình đạt được từ 60 – 90 tấn/năm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, Giám đốc HTX cho biết, hiện để sản phẩm đạt chất lượng cao sau khi thu hoạch và vận chuyển đến người tiêu dùng thì cần phải được bảo quản trong môi trường an toàn, bảo quản lạnh, cấp đông. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn của Hợp tác xã không đảm bảo để đầu tư. Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn, HTX mong muốn được tỉnh Đắk Nông xem xét tạo điều kiện hỗ trợ cho HTX phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
“Điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Thời gian qua, mặc dù mô hình kinh tế hợp tác, HTX luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng về số lượng song vẫn còn không ít HTX gặp khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết, hiện nay nhiều HTX trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở vật chất, vốn điều lệ thấp, quy mô sản xuất – kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, không có tính bền vững, chưa tương xứng với nhu cầu, kỳ vọng của thành viên. Trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, chưa có kinh nghiệm, hoạt động tổ chức sản xuất – kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt chiếm khoảng 40%, trung bình 45%; tỷ lệ HTX hoạt động yếu, kém khoảng 15%. Các HTX cần được kịp thời tháo gỡ những khó khăn để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục quan tâm, chú trọng việc phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển của các HTX trong bối cảnh và điều kiện mới.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dak-nong-kinh-te-tap-the-phat-trien-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang.html