Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023, ngày 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Việc lựa chọn con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp, net zero… đặt ra những thách thức rất lớn đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thay đổi cơ bản mô hình phát triển, hướng tới nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh; tăng trưởng nhanh và bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp,… trong đó kinh tế số là trọng tâm. Hệ sinh thái công nghiệp số được hình thành bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo, từng bước đưa tất cả hoạt động kinh tế-xã hội vào lộ trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tận dụng các thành tựu của chuyển đổi số như kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, block chain, lưu trữ đám mây…
Kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP. Điều đó khẳng định tiềm năng, nguồn tài nguyên quý giá về nhân lực của Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản, dữ liệu, công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số, đóng góp thực chất, hiệu quả, bền vững vào sự tăng trưởng của đất nước không dựa vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
“Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời các doanh nghiệp đã từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp số”, Phó Thủ tướng nói.
Chia sẻ về một số thách thức, giải pháp thực hiện chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số cùng với sự hình thành, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho quá trình quản lý, quản trị, ứng dụng đòi hỏi tính toàn cầu. Vì vậy, các ứng dụng, phần mềm, nền tảng trong chuyển đổi số không giới hạn ở thị trường Việt Nam hay trong một số lĩnh vực cụ thể… mà phải hướng đến thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong cuộc đua với những doanh nghiệp lớn của thế giới về chuyển đổi số. Cuộc đua này có thể giúp Việt Nam hình thành mô hình quản lý, quản trị hiện đại thông qua việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong cách thức tổ chức kinh tế, xã hội, nhà nước; hoạt động quản trị, hoàn thiện phần mềm sử dụng, khai thác, kết nối thông tin dữ liệu.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân, tổ chức; an ninh quốc gia; tiêu chuẩn công nghệ, phần mềm trong chuyển đổi số. Vì vậy, cần có môi trường, quy định pháp lý về vấn đề này trên phạm vi toàn cầu, nhất là vấn đề đạo đức, chia sẻ và hợp tác trong chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và nhà khoa học.
Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn sẽ trao đổi thẳng thắn, khoa học về những gì Chính phủ đã làm được trong chuyển đổi số và những việc cần làm nhanh hơn, toàn diện hơn; có tiếng nói, đóng góp thiết thực vào lộ trình chuyển đổi số của Việt Nam đến năm 2030 cũng như các giải pháp cụ thể trước mắt trên tinh thần “Chính phủ cần làm gì, doanh nghiệp cần làm gì”.
Phó Thủ tướng tin tưởng với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng đi đầu là các doanh nghiệp chuyển đổi số; sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành của nhân dân, và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ hiện thực hóa được mục tiêu chuyển đổi số.
“Chính phủ sẽ luôn đồng hành và là một khách hàng lớn sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp để phát triển nhanh Chính phủ số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, đóng góp vào những thành quả, vai trò, vị thế của Việt Nam thông qua các “sứ giả” chuyển đổi số, các sản phẩm chuyển đổi số Make in Vietnam”, Phó Thủ tướng nói.