Đặt trọng tâm vào khai thác ý tưởng, sức sáng tạo của con người và bảo vệ tài sản trí tuệ từ quá trình sáng tạo, kinh tế sáng tạo (KTST) cho thấy một tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí có thể nói là “không có giới hạn”. Với Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm cách nào để thúc đẩy và khai thác được.
Cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa chi phí doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy Điểm lại thông tin kinh tế tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 |
Việt Nam có lợi thế cho phát triển kinh tế sáng tạo
Đây là nhận định được TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Phát triển KTST: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức mớ đây. Đây là báo cáo đầu tiên đưa ra cách tiếp cận toàn diện, gắn cơ sở khoa học với kinh nghiệm quốc tế và cách tư duy chính sách thực tiễn nhằm phát triển KTST ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, nền KTST được định nghĩa là nền kinh tế hình thành dựa trên các chu trình lên ý tưởng, phát triển, sản xuất, phân phối và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, gắn với thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Thế giới đã chứng kiến những bước phát triển nhanh và đóng góp vượt bậc của KTST. Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đã tăng trung bình 8,14%/năm trong giai đoạn 2011-2020, đưa tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo tăng từ 487 tỷ USD năm 2010 lên gần 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Việt Nam đang có cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo |
Số liệu từ UNCTAD cũng cho thấy, thương mại hàng hóa sáng tạo của Việt Nam có xu hướng gia tăng khá tích cực trong giai đoạn 2002-2020. Trong đó, nhập khẩu tăng trung bình 7,99%/năm; xuất khẩu tăng trung bình 9,23%/năm trong giai đoạn này và Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất vào năm 2020. Xét theo ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong suốt giai đoạn 2002-2020, đạt hơn 11,9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 84,36% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất, tiếp đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Đức…
Tuy nhiên bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế lưu ý, cần lưu ý là phần xuất khẩu sáng tạo mà Việt Nam đang có được chủ yếu là nhờ FDI. “Do đó tôi đề nghị nên làm rõ phần này để tránh ngộ nhận”, bà Lan nói.
Cần khung chính sách vững chắc
Báo cáo và các ý kiến tại hội thảo cho thấy, Việt Nam đang có những cơ hội quan trọng cho phát triển KTST, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch; quy mô thị trường trong nước tương đối lớn; hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng và vị thế quốc tế ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, Việt Nam đang có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng KTST.
Trong đó, những điểm mạnh có thể kể đến như: Di sản văn hóa phong phú; hội nhập ngày càng tăng vào nền kinh tế toàn cầu; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; tiến bộ công nghệ và số hóa nhanh chóng; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới…
Cụ thể theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM, đại diện nhóm nghiên cứu, Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển KTST. Các nhóm chính sách hiện có đã bao gồm cả các chính sách chung và chính sách cụ thể đối với một số ngành. Phạm vi chính sách hiện có là tương đối rộng, từ chính sách ưu đãi thuế, khoa học – công nghệ cho đến chính sách cạnh tranh, bảo hộ sở hữu trí tuệ.
“Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ phát triển KTST. Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ trong nền KTST”, ông Dương cho biết.
Song bên cạnh đó, vẫn còn các hạn chế và thách thức phải đối mặt. Một trong những điểm yếu là hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống. Gắn với đó, ở không ít nhóm chủ thể còn thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến KTST (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn…). Kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển KTST cũng còn nhiều bất cập. Về mặt chính sách, chưa hỗ trợ phù hợp cho KTST nói chung và các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo nói riêng. Các văn bản chính sách đối với một số ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo chưa đi kèm với các điều kiện, nguồn lực cụ thể để bảo đảm khả năng thực thi và không ít văn bản chính sách mới chỉ dừng ở việc đề ra các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tiếp theo.
“Chính sách cho KTST chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý”, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển trong phát triển KTST, cụ thể trên các khía cạnh như tiếp cận phát triển KTST dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển KTST; thúc đẩy các điển hình tốt; hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường KTST; thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo phục vụ KTST, và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.
Trong đó theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những điểm rất đáng chú ý của KTST là cho phép các nước không nhất thiết phải có tài nguyên nhiều mà vẫn có thể phát triển được. “Trong KTST, tài nguyên chính là ở sự sáng tạo của con người. Sự sáng tạo của con người thì vô tận, không đo đếm được và chính sức mạnh sáng tạo ấy là một phần giải thích tại sao những nước có quy mô dân số nhỏ như Na Uy, Thụy Điển, Singapore… nhưng lại có mức độ sáng tạo rất cao và rất thành công trong phát triển kinh tế, vươn lên trở thành những nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới dù tài nguyên thiên nhiên không có bao nhiêu”, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, mô hình KTST mang rất đậm chất văn hóa trong đó, cho nên cho phép các nước, các doanh nghiệp, những người làm ra các sản phẩm có những nét độc đáo và giá trị riêng của mình. Nói cách khác, sự sáng tạo kết hợp với văn hóa giúp tạo nên khả năng cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp, rộng hơn là cho cả nền kinh tế. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan đấy là những bài học mà nhiều nước đã thành công và rất cần lưu ý, trong bối cảnh Việt Nam cần tìm ra những nguồn tài nguyên mới, khai thác ở khả năng sáng tạo chứ không phải chỉ ở tài nguyên thiên nhiên như trước đây nữa.
Báo cáo đưa ra 6 khuyến nghị nhằm phát triển KTST ở Việt Nam trong thời gian tới: (i) Cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng KTST, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo; (ii) Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; (iii) Tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; (iv) Thúc đẩy hợp tác và kết nối; (v)Tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam; (vi) Tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng và triển khai hiệu quả một Chiến lược quốc gia về KTST. |