Ngày 29/8, chính phủ Đức nhất trí về một chương trình cắt giảm thuế lớn trị giá đến 32 tỷ Euro (34,63 tỷ USD) cho doanh nghiệp trong 4 năm, nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu.
Nền kinh tế Đức đang trì trệ. (Nguồn: Shutterstock/esfera) |
Tuyên bố của chính phủ liên bang cho biết, mức giảm thuế dự kiến hơn 30 tỷ Euro sẽ giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, trong năm đầu tiên, gói kích thích này sẽ khiến doanh thu thuế của chính phủ liên bang giảm 2,6 tỷ Euro. Con số này của các bang là 2,5 tỷ Euro và của các khu tự trị là 1,8 tỷ Euro.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, nước này cần phải ứng phó với nền kinh tế “ốm yếu” để kích thích tăng trưởng.
Theo người đứng đầu chính phủ, việc giảm thuế là một phần của chương trình 10 điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để các công ty đưa ra quyết định đầu tư vào Đức.
Chương trình kích thích mới này sẽ khuyến khích các công ty thực hiện các dự án đầu tư thân thiện mới môi trường, cung cấp các ưu đãi về thuế cho hoạt động nghiên cứu và đưa ra các quy định có lợi hơn cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Gói kích thích được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Đức đình trệ. Quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng “bằng không” trong quý II/2023, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga-Ukraine, khiến giá năng lượng tăng vọt sau khi Berlin ngừng nhập khẩu khí đốt của Moscow.