Báo cáo kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 16.4 đánh giá nền kinh tế thời chiến của Nga có thể tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm 2024. Đây là tốc độ tăng trưởng bỏ xa mức dự báo ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ (2,7%), Đức (0,2%), Anh (0,5%) và Nhật Bản (0,9%).
Các chuyên gia IMF cho rằng mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Nga sẽ chủ yếu do “đầu tư cao” trong thời chiến và “tiêu dùng tư nhân mạnh”. Sức tiêu dùng tăng cũng là hệ quả từ chiến sự, khi nguồn cung lao động của thị trường bị thu hẹp thúc đẩy mức lương cạnh tranh hơn. IMF dự báo những động lực này sẽ giảm nhiệt trong năm 2025, nhưng kinh tế Nga khi đó vẫn được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 1,8%.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, nhiều lệnh cấm vận và trừng phạt tài chính lẫn thương mại đã được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh tung ra nhắm vào Nga, điển hình là các lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, cấm xuất khẩu công nghệ, phong tỏa tài sản hay loại ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Nga đã thực hiện nhiều biện pháp trung gian để lách hạn mức nhập khẩu dầu ở các nước thành viên G7. Moscow còn thu về khoảng 387 triệu USD từ những công ty “tẩy chay” thị trường Nga, thông qua các yêu cầu đối tác đền bù hợp đồng hoặc thanh lý tài sản trước khi rút khỏi Nga.
Mặt khác, Nga cũng duy trì xuất khẩu dầu và hàng hóa đến hai thị trường chiến lược là Ấn Độ và Trung Quốc. Riêng trong năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc đạt mốc kỷ lục 240 tỉ USD.
Theo trang Business Insider, dự báo của IMF đã gióng hồi chuông với những quốc gia phương Tây còn níu kéo hy vọng Nga sẽ gục ngã dưới áp lực bao vây kinh tế nhằm vào nước này. Tốc độ tăng trưởng 3,2% sau hai năm chiến sự sẽ củng cố uy tín cho Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời chứng minh Nga đã hóa giải thành công gọng kìm của phương Tây, theo trang tin trên.