Ngày 26/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 đạt 4,9%, mức cao nhất kể từ năm 2021.
Chi tiêu tiêu dùng, đóng góp hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tích cực do chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã đóng góp khoảng 68% GDP trong quý III. Chi tiêu tiêu dùng đối với hàng hóa đã tăng 4,8%, còn với dịch vụ tăng 3,6%.
Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống mức 3,7%, vẫn cao hơn mục tiêu kỳ vọng 2%, nhưng đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây sau khi đạt đỉnh 9,1% vào mùa hè năm 2022.
Mặc dù tốc độ tăng lương đã chậm lại nhưng vẫn tăng nhanh hơn lạm phát, nhờ đó nâng cao sức mua của các hộ gia đình. Một số quan chức Fed thừa nhận trong tuần qua rằng số liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng vượt mong đợi của họ.
Dù tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ được ghi nhận khó có thể bền vững, nhưng đó là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất. Các nhà kinh tế đều có chung quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới có thể vượt qua suy thoái mà không vướng phải bất kỳ cú sốc khó lường nào.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể chậm lại trong quý 4/2023 do các cuộc đình công của nghiệp đoàn ôtô (UAW) và việc hàng triệu người Mỹ tiếp tục trả khoản vay sinh viên.
Thị trường tài chính kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách từ ngày 31/10-1/11.
Kể từ tháng 3, Fed đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản, lên mức từ 5,25-5,50% hiện tại để kiềm chế lạm phát.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)