Theo ước tính của Dow Jones, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ dự kiến sẽ đạt mức tăng 4,7% hàng năm trong quý III. Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố ước tính GDP đầu tiên vào lúc 8h30 (giờ địa phương).
Nếu dự báo này là chính xác, đây sẽ là sản lượng mạnh nhất kể từ quý IV/2021 khi mức tăng trưởng ở mức 7%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia sẽ tập trung nhiều hơn vào các tín hiệu hướng tới tương lai từ một nền kinh tế nhiều lần đi ngược lại kỳ vọng.
Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities America, cho biết: “Chúng ta nghi ngờ bất cứ yếu tố nào trong quý III. GDP không cho biết chúng ta sẽ đi đâu. Chúng ta có thể cảm thấy ấm áp và mơ hồ về một con số tốt, nhưng vấn đề thực sự là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Trong suốt hai năm qua, các nhà kinh tế đã chờ đợi nền kinh tế Mỹ chậm lại và có thể bước vào suy thoái. Trên thực tế, bản thân Cục Dự trữ Liên bang đã dự báo sẽ có một sự thu hẹp nhẹ, nhưng gần đây đã rút lại dự đoán đó khi người tiêu dùng vẫn duy trì sức mua.
Điều đó dự kiến sẽ xảy ra một lần nữa trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.
Theo công cụ GDPNow của FED Atlanta, GDP quý III của Mỹ dự kiến tăng trưởng 5,4%. Một nửa trong số đó (2,77 %) đến từ chi tiêu của người dân. Xuất khẩu dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm, trong khi hàng tồn kho dự kiến sẽ tăng thêm 0,7 điểm.
LaVorgna, chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cho rằng GDP quý III sẽ là 4,1%, trong đó sức mua sẽ chiếm khoảng 3/4. Tuy nhiên, chi phí đi vay cao hơn và sự sụt giảm chung về nhu cầu đối với các mặt hàng có giá trị lớn trong thời gian tới có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các chỉ số về nhu cầu.
Bắt đầu từ đầu năm 2022, Phố Wall đã đồng thuận suy thoái kinh tế gần như không thể tránh khỏi do tác động chậm trễ của lãi suất cao. Kỳ vọng đó càng gia tăng trong cuộc khủng hoảng ngắn hạn của ngành ngân hàng vào tháng 3.2023.
Steven Ricchiuto, chuyên gia kinh tế tại Mizuho Securities USA, phân tích: “Người tiêu dùng cảm thấy thoải mái khi tiêu tiền và vay tiền. Có rất nhiều khoản chi tiêu đang được thực hiện bất chấp môi trường lãi suất. Điều đó xuất phát từ thực tế là có một thị trường lao động chặt chẽ và mọi người cảm thấy thoải mái trong công việc của mình”.
Mức tăng trưởng trong quý III là một dấu hiệu cho thấy FED vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề lạm phát. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chịu được lãi suất cao hơn mà vẫn tăng trưởng.
Kể từ giữa tháng 7.2022, thị trường trái phiếu đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Kể từ thời điểm đó, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã vượt xa lãi suất trái phiếu 10 năm, một hiện tượng được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược. Dấu hiệu này luôn chính xác trước một cuộc suy thoái kinh tế.