Theo các nhà dự báo, nền kinh tế khu vực đồng Euro đã chững lại hoặc thậm chí đã suy thoái trong quý III dưới sức nặng tích tụ từ các đợt tăng lãi suất liên tiếp.
Hầu hết chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát đều dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội của các nước EU đã bị đình trệ hoặc sụt giảm chỉ sau một thời gian ngắn tăng trưởng hồi quý II.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo, các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt chưa từng có sau 10 lần tăng lãi suất. Bà nhận định nền kinh tế có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ trong các quý liên tiếp.
Con số này tương đối lạc quan so với dự đoán của các nhà kinh tế tại Barclays, những người cho rằng khu vực này có thể đang suy thoái.
Silvia Ardagna – người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Âu của Barclays – cho biết: “Việc thắt chặt tiền tệ đang được duy trì khá mạnh mẽ và chúng tôi vẫn chưa thấy đỉnh điểm của nó. Chúng tôi nghĩ rằng lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần sẽ quay trở lại mức 2% sớm hơn dự báo của ECB. Do đó, chúng tôi dự báo hoạt động kinh tế yếu hơn nhiều”.
Đức, Áo, Bỉ – các quốc gia có dữ liệu GDP được công bố trong tuần qua – được cho đã gây áp lực nặng nề nhất lên khu vực đồng Euro trong quý vừa qua. Pháp và Italy là những nền kinh tế được nhận định đã đạt được mức tăng trưởng cận biên. Nhiều ý kiến khác nhận định, Tây Ban Nha duy trì tăng trưởng trong quý III, trong khi nền kinh tế Ireland suy giảm đáng kể.
“Với đà tăng trưởng suy yếu và rủi ro chồng chất theo chiều hướng giảm, khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay là rất thấp” – ông Jamie Rush, nhà kinh tế về châu Âu của Bloomberg Intelligence, nhận định.
Nếu con số của khu vực đồng Euro có dấu hiệu co lại như được dự đoán trước đây, đó sẽ là lần giảm GDP đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020. Kết quả này sẽ phần nào đánh giá được tăng trưởng kinh tế vừa qua của toàn khu vực.
Các báo cáo của tuần tới vẫn có thể mang lại một số khuyến khích cho các nhà hoạch định chính sách của ECB với triển vọng lạm phát sẽ chậm lại rõ rệt. Con số dự kiến sẽ là 3,1%, một kết quả không còn xa so với mục tiêu 2%. Tăng trưởng giá cốt lõi (loại bỏ các yếu tố dễ bay hơi như năng lượng) đạt mức 4,2% trong tháng 10.
Căng thẳng ở Trung Đông đang ngày càng trở thành mối lo ngại của các quan chức, cả từ góc độ lạm phát và tăng trưởng.
Chủ tịch ECB Lagarde cho biết: “Chúng tôi rất chú ý đến những hậu quả kinh tế có thể xảy ra, dù là về mặt tác động trực tiếp hay gián tiếp đến giá năng lượng, hay mức độ tin cậy mà các chủ thể kinh tế tiếp tục thể hiện”.