Baoquocte.vn. Trong 70 năm qua (10/10/1954-10/10/2024), Thủ đô Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hà Nội không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. (Nguồn: Bnews) |
Quy mô thu nhập của Hà Nội tăng rất mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn. Tuy nhiên, với những thách thức về môi trường, Thủ đô cần tập trung vào phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới…
Đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục
Tại Tọa đàm “Kinh tế Hà Nội – 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định: “Hà Nội không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô”.
Theo ông, Thủ đô của cả nước liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và thu hút nhiều dự án lớn trong và ngoài nước.
Trong khi đó TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp, thương mại (Bộ Công Thương) thì nhận thấy, Hà Nội ngày nay đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Ông Phương cho rằng, mô hình kinh tế của Hà Nội những năm qua có sự thay đổi tích cực, đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn và phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới.
“Khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là một hướng đi khá đúng đắn của Hà Nội. Du lịch đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới”, TS. Lê Quốc Phương đánh giá.
Nói thêm về tiềm năng của Thủ đô, ông Phương dẫn chứng, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.
“Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… ô tô có thể vào tận cửa” – PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng. |
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của Hà Nội qua việc thu hút khoảng 4.500 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Ngoài ra, TP. Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng vui mừng nói, nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô.
“Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… ô tô có thể vào tận cửa”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho hay, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GRDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%.
“Điều rất quan trọng là năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao việc Hà Nội dần “chuyển mình” thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thủ đô sẽ rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững. (Nguồn: Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ) |
Chuyển đổi mô hình mới, hướng tới tăng trưởng bền vững
Với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.
Theo Chương trình chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng.
Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
“Vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và bền vững” – ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân). |
Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô và Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chính là điều kiện rất thuận lợi để Hà Nội phát triển.
Trong quá trình này, các chuyên gia nhận thấy, Thủ đô rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững.
Bàn về mô hình kinh tế mới Hà Nội hướng đến, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân) nêu quan điểm, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và bền vững.
“Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển, tức nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số; tăng trưởng cao nhưng phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp theo, Thủ đô cần chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao”, ông Sơn gợi ý.
PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận, Thủ đô có những bước tiến xa, vững chắc. Dù vậy, chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên. Hà Nội sẽ rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững.
Theo bà An, trước mắt, TP. Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể. Sau đó cần tổ chức chỉ đạo thực hiện và giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Trong từng giai đoạn hoặc bất kỳ cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn đưa Hà Nội có bước phát triển đột phá, bền vững với kinh tế xanh và tất cả các lĩnh vực xanh. Để đạt được điều đó, Thủ đô cần thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn; cần tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, đất đai và nhất là cơ chế tín dụng rất quan trọng để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Chủ tịch Tập đoàn N&G Holding Nguyễn Hoàng khẳng định, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu… từ đó, đưa ra một chương trình, hình mẫu phù hợp.
Thủ đô nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực; đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân để cùng thực hiện. Đồng thời, cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế – xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp… cùng tham gia triển khai, ông Hoàng đề xuất.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-ha-noi-vuon-minh-tiep-tuc-hanh-trinh-phat-trien-tuan-hoan-ben-vung-287844.html