1. Vĩnh Phúc (7,45 điểm) – Quy mô kinh tế: 14
Năm 2024 là năm thứ 2 liên tiếp, Vĩnh Phúc có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước.
Ở phương diện kinh tế Vĩnh Phúc đứng thứ 14/63 tỉnh, thành với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 158 nghìn tỉ đồng, thu ngân sách đạt 32,4 nghìn tỉ đồng.
Vĩnh Phúc nằm sát Hà Nội, nổi tiếng với dãy núi Tam Đảo cùng các nhà máy lớn như Honda, Toyota, Piaggio…
2. Ninh Bình (7,35 điểm) – Quy mô kinh tế: 37
Về kinh tế, Ninh Bình xếp top giữa với thứ tự 37. Năm 2023, GRDP tỉnh này với GRDP đạt 89 nghìn tỉ đồng, thu ngân sách đạt 16,431 nghìn tỉ đồng.
Ninh Bình cách Hà Nội khoảng 90 km về hướng nam. Nổi tiếng với rừng quốc gia Cúc Phương, chùa Bái Đính… Ninh Bình cũng là nơi đặt nhà máy Hyundai Thành Công.
3. Nam Định (7,3 điểm) – Quy mô kinh tế: 33
Nam Định với trung tâm là TP Nam Định, là 1 trong 3 thành phố được thành lập từ thời Pháp (cùng Hà Nội và Hải Phòng) với nền kinh tế mũi nhọn là đóng tàu và dệt. Tuy nhiên về sau này, kinh tế Nam Định “hụt hơi” và hiện chỉ xếp ở vị trí 33/63.
Năm 2023, tổng sản phẩm của Nam Định đạt 103,59 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 10 nghìn tỉ đồng.
4. Bình Dương (7,24 điểm) – Quy mô kinh tế: 3
Bình Dương được ví như thủ phủ công nghiệp của cả nước. Có nguồn nội lực mạnh, lại nằm tiếp giáp với TP.HCM nên tốc độ đô thị hóa của Bình Dương diễn ra nhanh chóng. Hiện nay, Bình Dương đang có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.
Tỉnh Bình Dương cũng xếp thứ 3 trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2024.
Đến hết năm 2023, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt 486,4 nghìn tỉ đồng, xếp thứ 3 cả nước, thu ngân sách đạt 73,2 nghìn tỉ đồng (đứng thứ 5).
5. Bắc Ninh (7,21 điểm) – Quy mô kinh tế: 9
Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng lại có những khu công nghiệp khổng lồ, trong đó nổi tiếng nhất là các nhà máy của tập đoàn Samsung.
Trong 10 năm trở lại đây, xứ Kinh Bắc phát triển chóng mặt và hiện xếp vị trí thứ 9. Tổng giá trị tổng sản phẩm năm 2023 đạt hơn 220 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách đạt trên 29 nghìn tỉ đồng.
Nhiều tỉnh thành có sự tương đồng điểm thi THPT với quy mô nền kinh tế
Ngoài ra, trong top 10 tỉnh thành có điểm thi cao nhất chỉ còn Hải Phòng (vị trí thứ 6 – 7,15 điểm) là lọt top 10 về quy mô kinh tế. Thành phố Cảng hiện xếp vị trí thứ 5 với giá trị tổng sản phẩm đạt 402 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách năm 2023 đạt trên 100 nghìn tỉ (đứng thứ 3).
Ở chiều ngược lại, có sự tương đồng nhất định về vị trí của các địa phương có điểm thi thấp nhất với quy mô nền kinh tế.
Hà Giang đứng “đội sổ” điểm thi, quy mô nền kinh tế đứng thứ 59/63 (GRDP: 16,423 nghìn tỉ, thu ngân sách: 2,290 nghìn tỉ).
Cao Bằng đứng thứ 62/63 về điểm thi, quy mô nền kinh tế cũng đứng thứ 62/63 (GRDP: 22,747 nghìn tỉ, thu ngân sách: 2,086 nghìn tỉ).
Điện Biên đứng thứ 60/63 về điểm thi, quy mô nền kinh tế đứng thứ 60/63 (GRDP: 27,77 nghìn tỉ, thu ngân sách: 1,57 nghìn tỉ).
Đắc Nông đứng thứ 5 từ dưới lên, quy mô nền kinh tế đứng thứ 57/63 (GRDP: 44,86 nghìn tỉ, thu ngân sách: 2,85 nghìn tỉ).
Trong danh sách top 5 tỉnh có điểm thi thấp nhất thì tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất là Đắc Lắk. Thủ phủ cà phê đứng thứ 61/63 về điểm thi, nền kinh tế đứng thứ 22/63 (GRDP: 120 nghìn tỉ, thu ngân sách: 7,7 nghìn tỉ).
Đáng chú ý, 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM đều không có thứ hạng ấn tượng trong danh sách điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong khi TP.HCM đứng thứ 20 thì Hà Nội chỉ đứng 22.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/kinh-te-cac-tinh-thuoc-nhom-diem-thi-cao-nhat-va-thap-nhat-the-nao-1368445.ldo