Xuất siêu 5 tháng của nước ta đạt gần 10 tỷ USD nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động đến nhiều chỉ số kinh tế 5 tháng đầu năm.
Công bố báo cáo kinh tế – xã hội 5 tháng
Hôm nay (29/5), các chỉ số kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã được Tổng cục Thống kê công bố, trong đó, điểm sáng nhất chính là hoạt động thương mại và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tháng 5 tuy có tăng 2,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm. Còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, xuất siêu 5 tháng vẫn đạt 9,8 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp với mức tăng là 3,55%.
Xuất siêu 5 tháng của nước ta đạt gần 10 tỷ USD.
Tăng cường hiệu quả thực thi chính sách
Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định sự tăng trưởng liên tục và ổn định của nhu cầu trong nước sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Khi xuất nhập khẩu có biến động do tình hình kinh tế thế giới thì việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ giúp kinh tế tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc giúp các các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn là nền tảng để nền kinh tế phục hồi và sẵn sàng cho những cơ hội khi kinh tế toàn cầu khởi sắc hơn.
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%. Những đề xuất giảm thuế luôn được doanh nghiệp ngóng chờ.
Ở thời điểm này sự đồng hành với doanh nghiệp sẽ giúp họ vượt qua khó khăn phần nào. Nhưng chính sách cũng cần được đồng bộ và có đủ thời gian để có thể tác động tích cực vào hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Tăng cường sức khỏe doanh nghiệp sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nhìn vào sức khỏe của khối doanh nghiệp có thể thấy khó khăn đang hiện hữu không nhỏ. Từ đầu năm đến nay có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình này, đã có nhiều chính sách được đưa ra. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, chưa đầy 5 tháng có 4 công điện, loạt nghị quyết, nghị định, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay hàng loạt các chính sách tài chính tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp để tạo động lực cho phát triển, song vấn đề ở đây là thực thi.
Bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết: “Các chính sách đã đi đúng hướng nhưng phải thúc đẩy mạnh mẽ, thực thi ngay để doanh nghiệp tiếp cận ngay được dòng vốn giá rẻ”.
Hỗ trợ doanh nghiêp còn cần đo lường mức độ hấp thụ của nền kinh tế, đặc biệt với các chính sách tiền tệ.
Bà Dorsati Madani – Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: “Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng tôi cũng nghĩ rằng điều đó sẽ hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, hấp thụ được nguồn vốn hay không cần phải có định lượng rất cụ thể khi đó dòng tiền mới mang lại giá trị tiếp sức và phục hồi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế”.
Để đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% trong năm nay, các quý còn lại phải tăng trưởng bình quân 7,5 – 8%. Mục tiêu này là rất thách thức, chính vì thế với mỗi chính sách, đặc biệt là với doanh nghiệp ngoài đúng và đủ thì cần nhanh và nhạy để tăng cường sức khỏe doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.