Ngày 12-5, tại Quảng Ninh diễn ra hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề bàn luận về “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.
Thiết chế văn hóa, thể thao bộc lộ nhiều bất cập
Nêu đề dẫn, ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – cho biết hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Theo ông Thắng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và tồn tại những nghịch lý, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục.
Cụ thể, kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”.
Một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây ra lãng phí lớn.
“Nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian sáng đèn” – ông Thắng nêu.
Cũng theo ông Thắng, kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp dẫn tới nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng.
Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng.
“Có một thực tế, chủ trương của Đảng đã rõ nhưng khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào.
Không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm” – ông Thắng cho hay.
Do chưa có cơ chế rõ ràng cho việc hợp tác công – tư trong xây dựng, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao nên chưa thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống thiết chế này.
Trung tâm Huấn luyện thể thao chỉ đáp ứng 30-50% nhu cầu tập luyện
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chung nhận định bên cạnh những ưu điểm thì hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cả ở Trung ương và cơ sở các cấp.
Đơn cử, đối với hệ thống bảo tàng, ngày 23-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng năm 2006, còn lại các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác như (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đều chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn.
Hiện nay, còn bốn đơn vị có trụ sở làm việc nhưng chưa có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn.
Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng lại chưa có trụ sở làm việc riêng như Nhà hát Chèo Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là nơi biểu diễn nhưng không có đơn vị nghệ thuật, hiện trở thành địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn…
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao cũng trong tình trạng tương tự. Có thể kể đến như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tập luyện của vận động viên; tỉ lệ đáp ứng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM còn thấp hơn, chỉ 30%.
Gỡ vướng mắc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận một số nội dung trọng tâm như hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách.
Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành.
Đánh giá, rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, trong đó có những luật đã ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao,…
Tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể trong bối cảnh việc tổ chức thực hiện các quy hoạch vẫn là khâu yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Thắng cũng đề nghị thảo luận kỹ trong tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Phải đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại”.
Khắc phục hội chứng “phong trào” và tình trạng “đồng dạng hóa” các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức bộ máy, nhân sự cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kinh-phi-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-con-rat-han-che-nho-giot-an-dong-202405121003548.htm