Phát huy tiềm năng lợi thế
Nằm ở phía Tây Thủ đô, Chương Mỹ là huyện cửa ngõ nằm liền kề với các quận nội thành – thị trường rộng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như lương thực, rau quả, thịt và các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề. Nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện như: rau an toàn, gạo hữu cơ, bưởi Diễn, cam Canh… ngày càng tăng, đây là điều kiện thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn huyện Chương Mỹ có 145 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội phân hạng, cấp sao Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP của Chương Mỹ có mặt các hội chợ, được người tiêu dùng đón nhận đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, tạo điều kiện mở rộng, phát triển kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp…
Chia sẻ về quá trình thực hiện chương trình, đại diện hộ kinh doanh Lê Văn Cường, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: gia đình bà chọn sản phẩm “Trứng gà sạch Cường Hương”, để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Để tham gia chương trình này, quá trình chăn nuôi, gia đình đã kết hợp chế phẩm men vi sinh ủ trong thức ăn để gia tăng vi lợi khuẩn, kháng bệnh cho gia cầm. Nhờ đó, trứng gà thơm ngon, an toàn hơn; việc chăn nuôi bảo đảm thân thiện với môi trường.
Tương tự, HTX Đức Hậu – Lưu Quang, đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu của huyện Chương Mỹ, với 1.700 gốc bưởi Diễn, đang thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ, với mục tiêu nông nghiệp xanh – sạch, bền vững, đem lại lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và người tiêu dùng. Giám đốc Hợp tác xã Lê Hữu Diện cho biết: để có được những vườn bưởi sai trĩu quả, đạt tiêu chuẩn hữu cơ như hiện nay, các thành viên trong hợp tác xã đã tham gia các lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, việc canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao, thực hiện nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ thành viên tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học, sử dụng tương ngâm với cá tươi và ốc trong khoảng 2 – 3 tháng để bón cho cây.
Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng ưu tiên sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi, rượu ngâm để phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây bưởi. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ tự nhiên nên bưởi Diễn Đức Hậu – Lưu Quang khi thu hoạch luôn bảo đảm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Xác định được vai trò quan trọng của Chương trình OCOP, những năm qua huyện Chương Mỹ đã tích cực triển khai Chương trình OCOP và đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2019 đến 2023, luỹ kế trên địa bàn huyện có 21 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP với 178 sản phẩm của 37 chủ thể được phân hạng cấp sao từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2023, UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 40 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP huyện, kết quả có 26 sản phẩm 3 sao, 12 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, huyện phấn đấu có từ 20 – 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Phấn đấu 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP
Với kết quả trên, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội khẳng định, huyện Chương Mỹ đang dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP. Kết quả này có được do hàng năm, UBND huyện Chương Mỹ đều ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình; kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình trên địa bàn; thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cho các đơn vị, cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2019 đến nay, huyện Chương Mỹ đã bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đề nghị tham gia đánh giá phân hạng trên địa bàn huyện, đã hỗ trợ 183 hồ sơ của các chủ thể tham gia chương trình. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ các chủ thể tem truy xuất nguồn gốc, tham gia các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại…
Hàng năm, Phòng Kinh tế huyện đều phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho đối tượng là cán bộ quản lý cấp huyện, xã và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện. Kết quả, đã tập huấn cho khoảng trên 300 lượt cán bộ quản lý cấp xã, huyện và gần 100 chủ thể trên địa bàn huyện.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, năm 2024, với mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, huyện sẽ rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định; phấn đấu 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP; nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình OCOP; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền, quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa và cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình OCOP tới các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện tới cơ sở.
Mới đây, UBND huyện tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Tại đây, đại diện UBND các xã, thị trấn, các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đã nghe đơn vị tư vấn giới thiệu về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hướng dẫn các danh mục hồ sơ, tài liệu để được công nhận sản phẩm OCOP; đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, các chủ thể OCOP cùng với đại diện Đơn vị tư vấn đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc rà soát, lựa chọn các sản phẩm của địa phương, tuyên truyền, vận động các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP, những thủ tục hồ sơ trong quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP…
UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đôn đốc các chủ thể, đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đúng tiến độ, tiếp nhận hồ sơ sản phẩm từ chủ thể; rà soát các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn đã hết hạn công nhận sao OCOP, thông báo tới các chủ thể để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình các năm tiếp theo. Đối với các chủ thể đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2024, khẩn trương phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển – đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/kinh-nghiem-hay-tu-huyen-chuong-my-i386233/