Rừng thiêng che chở bản làng
Đông Đằng nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 3km, được bao bọc bởi trùng điệp núi, đồi, những cánh đồng trải dài tít tắp. Đường vào thôn được bê tông hóa sạch sẽ, 2 bên đường là những nếp nhà sàn truyền thống cổ kính.
Thôn Đông Đằng có khoảng 140 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là họ Dương, người dân tộc Tày quần cư quanh dãy núi đá vôi Bắc Sơn. Theo những người cao niên nơi đây, cánh rừng nghiến cổ ngay sát làng là một khu rừng thiêng, thờ ba vị thần: Ông Đuôi, Ông Voi, và thần Bò Bá Mò.
Dân làng có niềm tin rằng, thần rừng sẽ che chở, bảo vệ bản làng, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, con đàn cháu đống, làng bản chung sống thuận hòa, đoàn kết.
Và điều mong ước lớn nhất của dân bản, đó là không có thiên tai, dịch họa. Muốn làm được điều đó, cánh rừng nơi các ngài thần rừng ngự phải thật yên tĩnh. Mọi cỏ cây, chim thú do các ngài cai quản phải được tự do, tự nhiên phát triển. Người dân không được vào kiếm củi săn thú. Nếu có cây đổ cây ngã cũng để nguyên trong rừng cho thối mục tự nhiên, làm phân bón chăm các cây con khác, nhất định không được lấy đem về nhà.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Thiều, đây là cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh (loài cây gỗ quý thuộc nhóm 1) rộng khoảng 13ha, với hàng trăm cá thể gỗ nghiến có đường kính hơn 2m. Là rừng cộng đồng nên hằng năm, bà con được hưởng nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng.
Đây cũng là khu rừng nghiến tự nhiên hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn xứ Lạng và được cộng đồng dân cư gìn giữ như báu vật. Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài – sinh cảnh Bắc Sơn được quy hoạch, bảo vệ.
Giữ rừng bằng hương ước
Gỗ nghiến là loài cây quý hiếm, giá thành cao, chỉ sinh trưởng trên núi đá có độ cao khoảng 400m. Cây nghiến thường được dùng làm các sản phẩm nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ bởi độ bền và tính thẩm mỹ. Bởi thế, cánh rừng nghiến nguyên sinh rộng lớn này như một “kho vàng lộ thiên” giữa núi rừng, khiến nhiều đối tượng lâm tặc “ao ước”.
Vậy thì, điều gì đã giúp cánh rừng nghiến Đông Đằng được bảo tồn nguyên vẹn đến vậy? Theo Trưởng thôn Đông Đằng Dương Hữu Chung, tất cả chỉ nhờ một số quy định ngắn trong hương ước của thôn.
Hương ước thôn Đông Đằng có 9 chương, 29 điều, quy định chi tiết từ việc hiếu, hỉ, xây dựng khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng… Trong đó, tại chương VI, điều 25 quy định rõ: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy …
Tiếp đó, chương VIII hương ước cũng nêu rõ các hình thức khen thưởng với hộ có thành tích trong gìn giữ, bảo vệ rừng; các hình thức nghiêm khắc xử phạt với người vi phạm. Cụ thể, vi phạm lần 1 phạt hành chính, nhắc nhở trước toàn thôn; lần 2 đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm có hình thức kỷ luật; lần 3 sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình trong thôn.
Giải thích rõ hơn, trưởng thôn Đông Đằng cho biết, nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi, sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu. Nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia, cả làng không ai tới giúp, không ai đưa tiễn người khuất trong gia đình về với tổ tiên. Nếu có việc cưới xin, dân làng cũng tẩy chay không tới mừng, không làm cỗ giúp.
Nhờ thế mà hàng trăm năm qua, người dân Đông Đằng không có ai dám vi phạm về bảo vệ rừng. Không những thế, ý thức bảo vệ rừng của bà con cũng ngày càng được nâng cao. Để bảo vệ rừng, chính quyền thôn đã thành lập tổ, đội hàng ngày đi tuần tra, bảo vệ rừng.
Ai muốn lên rừng cũng phải được người trong tổ dẫn lên và không được mang bất cứ thứ gì ra khỏi rừng, dù chỉ là một nhành củi khô. Đây là những điều cơ bản nhất mà mỗi người dân đều thuộc lòng và thực hiện nghiêm.
Không chỉ thế, tất cả các cây nghiến đều được đánh số ở gốc. Cứ 2, 3 ngày sẽ tổ chức kiểm đếm số cây nghiến một lần. Thôn chỉ có 2 lối vào nên bất cứ ai ra vào, mang theo vật dụng gì, người dân đều nắm rõ. Ngoài ra, trong thôn còn một “lực lượng phản ứng nhanh”, bao gồm cán bộ thôn, đoàn thanh niên, dân quân sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn, “lâm tặc” hoặc xói lở, đá lăn.
Trong tâm trí của người dân Đông Đằng, việc gìn giữ, bảo vệ rừng là công việc chung của tất cả người dân trong thôn. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên bản làng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Đồng bào Tày ở Đông Đằng yêu rừng, đã giữ rừng bằng những cách thức bình dị, đơn giản nhất.