Bệnh viện Việt Đức vận dụng hình thức mua sắm khẩn cấp, trong khi Bạch Mai và một số cơ sở khác chuẩn bị gối đầu đợt mua mới, nhằm đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế.
Ngày 6/11, trước bối cảnh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tiếp diễn cục bộ và được nêu ra thảo luận tại Quốc hội, lãnh đạo các bệnh viện nhìn nhận đang gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công. Gần nhất là các bệnh viện ở miền Tây thiếu máu điều trị trên diện rộng do chậm mua sắm túi đựng máu và hóa chất xét nghiệm máu. Một số bệnh viện ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên bệnh nhân phải mua găng tay, dịch truyền vào viện cho bác sĩ mổ sử dụng.
Các bệnh viện đang chạy đua đấu thầu mua sắm để khắc phục tình trạng thiếu. Một thực tế họ gặp phải là đấu thầu thành công song chưa thể nhận hàng ngay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình chiến sự gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Như Bệnh viện Việt Đức, tuần qua có 3 hãng trúng thầu “xin chậm thời gian giao hàng”, theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc bệnh viện. Một hãng chuyên về dụng cụ mổ nội soi tốt, thế giới và Việt Nam đang dùng, vừa gửi công văn “không cam kết được thời hạn giao hàng”.
Song, theo ông Hùng, các đề nghị chậm đơn hàng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động khám chữa bệnh. Hiện thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện Việt Đức vẫn đảm bảo đủ phục vụ bệnh nhân. Không có bệnh nhân nào, đặc biệt là cấp cứu, phải hoãn mổ. Lý do là hồi tháng 8, khi nhận nhiệm vụ giám đốc bệnh viện, việc đầu tiên ông Hùng làm là yêu cầu các bộ phận đánh giá tình hình vật tư, đẩy nhanh mua sắm, điều chỉnh quy chế mua sắm nội bộ; vận dụng các hình thức mua sắm khẩn cấp, giao hàng nhanh.
Mỗi ngày Việt Đức thực hiện 250-270 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu, 50 phòng mổ hoạt động hết công suất. Hầu hết bệnh nhân là nặng, đòi hỏi rất nhiều vật tư, kỹ thuật cao điều trị. Trong khi, một gói thầu từ khi phê duyệt chủ trương dự toán, đến gọi được nhà thầu, quy trình này nhanh phải 4 tháng. Nếu có những vấn đề phát sinh phải làm rõ, quy trình kéo dài hơn, thông thường trên 4-5 tháng, có gói 8 tháng.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là phân quyền rõ cho các bộ phận. Xây dựng hồ sơ thầu là việc của hội đồng khoa học, có tham khảo ý kiến các bệnh viện và sự hỗ trợ của các chuyên gia về đấu thầu, thậm chí có những gói thầu phải thuê tư vấn”, ông Hùng nói. Nhờ vậy bệnh viện mua sắm liên tục và gối đầu, không để lâm vào tình trạng cạn kiệt vật tư trong khi không kịp mua.
Cũng từng thiếu thốn vật tư y tế, nay Bệnh viện Bạch Mai đã mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Mới đây, bệnh viện trúng thầu 4 máy chụp cộng hưởng từ và hai máy CT; 20 máu nội soi đường tiêu hóa… Tổng giá trị thiết bị vật tư đã trúng thầu là hơn 1.700 tỷ, còn với thuốc là 2.000 tỷ.
“Khi các thiết bị này lắp đặt xong, chúng tôi kỳ vọng người bệnh đến bệnh viện không phải chờ đợi, hay đặt lịch hẹn như trước đây nữa, có thể làm thủ thuật ngay trong ngày”, ông Cơ nói.
Để làm được điều này, ông Cơ cho rằng “kinh nghiệm quan trọng là đoàn kết trong nội bộ và công tác phòng chống tham nhũng”. Bệnh viện không vướng vào “hoa hồng” đối với các nhà thầu, trong các hợp đồng thầu. Mọi thứ đều phải công khai minh bạch, không có chuyện nhà thầu mua chuộc các cán bộ của bệnh viện.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi mỗi ngày tiếp nhận khám khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân, hơn 2.000 bệnh nhân nội trú, vật tư y tế, thuốc men cũng là vấn đề lớn. Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết ngoài xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng, bệnh viện thành lập hội đồng khoa học chuyên sâu và nhiều hội đồng nhỏ.
Việc thành lập song song các hội đồng này nhằm chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế… Bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng. Bệnh viện cũng chia ra nhiều gói thầu khác nhau. Riêng trang thiết bị, vật tư được chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc.
Còn GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết khi có kết quả thầu, bệnh viện đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu kế hoạch đợt mua sắm sắp đến. Ngoài ra, trong trường hợp thiếu do đứt gãy nguồn cung ứng, bệnh viện sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế cho thuốc, vật tư đang thiếu.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc từ giữa năm 2022. Nhiều cơ sở y tế không mua được máy móc và hóa chất, thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân. Để giải quyết tình trạng, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều quy định nhằm tháo gỡ cho mua sắm đấu thầu. Song, theo các chuyên gia máy móc, vật tư, thuốc men là “vũ khí” của thầy thuốc. Vì thế, trong tương lai, việc mua sắm cần có quy định mang tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù.
Theo cách mua sắm của các nước, những mặt hàng có tính chất ảnh hưởng đến an ninh xã hội thì đấu thầu tập trung cấp quốc gia. “Đây là cách huy động được những gì tinh túy nhất trong mua sắm đấu thầu, có thể đàm phán được giá với giá thấp nhất, giúp các đơn vị y tế giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sai sót, nhầm lẫn khi làm thầu”, ông Hùng nói và đề xuất Việt Nam áp dụng.
Lê Nga