Thiên hà, có tên JADES-GS-z14-0, được phát hiện vào thời điểm cách sự kiện Big Bang khai sinh vũ trụ vỏn vẹn 290 triệu năm, còn gọi là “Hừng đông của vũ trụ”. Kỷ lục trước đó của kính James Webb là thiên hà khoảng 325 triệu năm sau sự kiện Big Bang.
Những thiên hà đời đầu có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho giới nghiên cứu, chẳng hạn như cách thức khí, sao và hố đen hình thành, thay đổi vào thời điểm vũ trụ còn non trẻ.
Theo NASA, thiên hà đầu tiên, tức JADES-GS-z14-0, mang đến cơ hội quan sát độc đáo hơn cả.
“Vũ trụ vào những giai đoạn đầu rất khác so với hiện nay”, tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Francesco D’Eugenio của Đại học Cambridge (Anh), một trong những đội ngũ đứng sau phát hiện mới.
JADES-GS-z14-0 tỏa ra ánh sáng rực rỡ hơn dự kiến, cho thấy thế hệ sao đầu tiên của vũ trụ phát sáng hơn hẳn thời điểm hiện tại, hoặc hình thành với tốc độ nhanh hơn các giả thuyết về vũ trụ từng dự đoán.
Tác giả chính báo cáo là tiến sĩ Stefano Carniani của Đại học Scuola Normale Superiore (Ý) cho biết “hiện JADES-GS-z14-0 trở thành nguyên mẫu của hiện tượng trên. Thật tuyệt vời khi vũ trụ có thể tạo ra một thiên hà như thế khi mới 300 triệu năm tuổi”.
Sự tỏa sáng bất thường của những thiên hà sơ khai đồng nghĩa kính James Webb sẽ còn có thể phát hiện thêm nhiều thiên hà khác.
Giáo sư Brant Robertson của Đại học California-Santa Cruz (Mỹ) cho hay đội ngũ nghiên cứu vẫn đủ sức tìm ra thiên hà trên trong trường hợp ánh sáng tỏa ra yếu đi gấp 10 lần. Ông cho rằng trong thời gian không xa, nhân loại có thể nhìn ngược về quá khứ vào thời điểm vũ trụ khoảng 200 triệu năm tuổi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kinh-james-webb-chup-duoc-anh-thien-ha-xuat-hien-som-nhat-va-xa-nhat-185240601105739911.htm