Kinh doanh liên tục tụt dốc, lợi nhuận tiếp tục đi lùi
CTCP Sữa Quốc tế (IDP) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra ngày 14/4 tới đây với nhiều nội dung quan trọng.
Tại Đại hội, Sữa Quốc tế sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại dự kiến giảm 4% so với năm trước, xuống còn 776 tỷ đồng. Nếu không có đột biến trong hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của Sữa Quốc tế sẽ tăng trưởng âm 2 năm liên tiếp.
Nhận định về thị trường sữa, IDP cho biết năm 2022 thị trường đã hồi phục khi các hạn chế về Covid-19 đã được dỡ bỏ, việc sản xuất phân phối đã quay trở lại như bình thường. Tuy nhiên, do xung đột Nga-Ukraine đã làm thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cũng như lạm phát tăng cao bào mòn thu nhập có thể sử dụng của người tiêu dùng.
Riêng về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2031 tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Năm 2022 vừa qua, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.086 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 2% so với năm trước xuống mức 810 tỷ đồng. Dù vậy, với kế hoạch kinh doanh rất thấp trong năm ngáoi, công ty vẫn hoàn thành vượt 11% chỉ tiêu doanh thu, 79% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Đáng chú ý, Sữa Quốc tế đã có 4 quý sụt giảm lợi nhuận liên tiếp kể từ từ đỉnh quý 4/2021. Quý 4/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.672 tỷ đồng, tăng 37% nhưng giá vốn tăng đến 53% đã khiến biên lãi gộp co lại từ 45% còn 39%. Các chi phí phát sinh đều tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm đến 41% so với cùng kỳ, xuống 166 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 5 quý.
Với kết quả đạt được, HĐQT Sữa Quốc tế sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 theo 2 đợt. Đợt 1/2022 bằng tiền, với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp), tương ứng chi hơn 88 tỷ đồng trả cổ đông vào ngày 31/10/2022. Đợt 2/2022 sẽ ủy quyền cho HĐQT căn cứ và kết quả kinh doanh, dòng tiền để quyết định việc chia cổ tức 2022.
Năm 2023, vấn đề cổ tức sẽ ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan, gồm việc thực hiện hay không thực hiện tạm ứng cổ tức, tỷ lệ tạm ứng, thời gian, và phương thức chi trả…
Chào bán cổ phần để trả nợ, ESOP giá “bèo”
Tại Đại hội tới đây, Sữa Quốc tế cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán hơn 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nhằm bổ sung vốn lưu động và trợ nợ vay ngân hàng. Giá chào bán không thấp hơn bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua giá chào bán và không thấp hơn giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2022 là 30.615 đồng/cp.
Dẫn chứng dữ liệu từ HNX, bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày 24/3/2023 của IDP là 195.785 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, tổng số tiền Sữa Quốc tế dự kiến thu được từ đợt phát hành riêng lẻ là gần 471 tỷ đồng. Trong đó, 230 tỷ đồng dùng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng, 41 tỷ còn lại để thanh toán chi phí marketing.
Ngoài ra, Sữa Quốc tế sẽ trình cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua ngày 7/4/2022, và thay thế bằng phương án phát hành mới.
Theo đó, công ty sẽ phát hành gần 1,2 triệu cổ phiếu ESOP cho Ban Tổng Giám đốc, các cấp quản lý và người lao động, nhằm bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 96% so với thị giá hiện nay.
Như vậy, lãnh đạo và người lao động của Sữa Quốc tế sẽ được mua lượng cổ phiếu có giá trị thị trường hơn 280 tỷ đồng chỉ với vỏn vẹn 12 tỷ đồng.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi đã thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được UBCKNN chấp thuận. Số cổ phiếu của 2 đợt phát hành đều bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ thời điểm phát hành.
Nguồn
Bình luận (0)