Xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc với kết quả 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 16 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc với kết quả 6 tháng đầu năm nay, khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 16 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV năm nay, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025. Do vậy hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để tuyển dụng thêm lao động mới, đào tạo gấp rút để kịp tiến độ trả đơn hàng đã ký.
Không khó để thấy ở những khu công nghiệp liên tiếp những tấm bảng tuyển lao động được các doanh nghiệp treo ngay ở trước của doanh nghiệp mình, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đặc thù như dệt may. Họ cho biết hiện nay đang cần tuyển thêm 10-15% lao động.
Treo biển tuyển dụng, thưởng cao cho người giới thiệu ứng viên, kết hợp với các công ty việc làm về tận địa phương. Đây là cách mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để tuyển thêm các lao động mới.
Bà Nguyễn Khánh Thơ – Phó Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tổng Công ty Prosport cho hay: “Chúng tôi đang thiếu khoảng 500 lao động vào thời điểm hiện tại và từ giờ đến cuối năm thì con số chúng tôi cũng có nhu cầu tuyển tăng lên khoảng 900 – 1.000 lao động vào đến cuối năm.Với các bạn mà chưa có tay nghề thì chúng tôi tuyển vào thì mất khoảng từ 1 tháng cho đến 2 tháng”.
Dù liên tục đăng tin, nhưng các doanh nghiệp dệt may không phải dễ dàng trong việc tuyển đủ lao động mới, do đây là ngành nghề đặc thù, đòi hỏi công việc tỉ mẩn, ngồi liên tục trong 8 tiếng/ngày. Vì vậy, có doanh nghiệp phải đưa ra rất nhiều mức đãi ngộ hấp dẫn, để vừa hút lao động mới, vừa giữ chân nhân sự cũ làm lâu dài.
“Bắt đầu từ ngày 1/4, công ty đã tăng lương cơ bản cho người lao động. Thứ 2 là chúng tôi cũng tập trung tăng bước thưởng năng suất cho người lao động. Thứ 3 là chúng tôi cũng tăng mức hỗ trợ cho công nhân mới vào đảm bảo họ có đủ thu nhập trong nhất là 6 tháng đầu khi vào công ty”, ông Đỗ Xuân Hưng – Giám đốc Tài Chính Công ty May Tinh Lợi cho biết.
Theo Navigos Search, hiện nay các ứng viên, nhất là các ứng viên trẻ gen Z có nhiều sự lựa chọn công việc linh hoạt, nên để có thể thu hút đối tượng trẻ làm việc trong ngành sản xuất, nhất là dệt may thì yếu tố văn hóa doanh nghiệp cũng cần được lưu tâm.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan – Giám đốc miền Bắc Công ty Navigos Search thông tin: “Bản thân các doanh nghiệp họ tại sao lại cần phải đầu tư rất nhiều cho cái việc làm hình ảnh cũng như là làm employer branding có nghĩa là xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để khiến cho ứng viên thấy rằng là môi trường của họ văn hóa doanh nghiệp của họ thực sự là tốt để cho ứng viên có thể là phát triển được”.
Tuyển dụng đủ lao động mới hiện nay đã là bài toán không dễ, tuyển xong rồi lại cần phải đào tạo kỹ thuật, tay nghề, đặc biệt là lao động may mặc theo tiêu chuẩn sản xuất xanh. Nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn đang nỗ lực để đáp ứng nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Theo VTV
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/-kin-don-hang-doanh-nghiep-det-may-tang-tuyen-dung/20240724115616390