Ngày 3/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nước này sẵn sàng tiến hành cuộc phản công được chờ đợi từ lâu.
Quang cảnh từ trên cao cho thấy sự tàn phá ở Bakhmut, miền Đông Ukraine, vào ngày 23/5. (Nguồn: Getty Image) |
Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, ông Zelensky khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào thành công. Tôi không biết sẽ mất bao lâu. Thành thật mà nói, cuộc phản công có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Nhưng chúng tôi sẽ tiến hành và chúng tôi đã sẵn sàng”.
Chính quyền Kiev hy vọng cuộc phản công sẽ làm thay đổi động lực của cuộc chiến hiện nay.
Tháng trước, Tổng thống Zelensky cho hay, đất nước cần đợi phương Tây cung cấp thêm xe bọc thép trước khi tiến hành phản công.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã liên tục có những nỗ lực vận động ngoại giao để duy trì sự hỗ trợ của phương Tây, tìm cách có thêm viện trợ quân sự và vũ khí, vốn đóng vai trò then chốt để giúp Ukraine thành công trong kế hoạch của nước này.
* Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La thường niên diễn ra ngày 3/6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã đề xuất một kế hoạch giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn, lập khu phi quân sự và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ).
Điểm đầu tiên của kế hoạch là kêu gọi cả hai bên ngừng bắn ngay lập tức.
Thứ hai, mỗi bên di chuyển ra xa khỏi các vị trí hiện tại 15 km để lập một khu vực phi quân sự mới. Ông Subianto giải thích cần nhanh chóng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở đó.
Ông cho rằng: “LHQ cần tổ chức và tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ tranh chấp để xác nhận một cách khách quan ý nguyện của đa số người dân, song không chỉ rõ những vùng lãnh thổ đó”.
Theo ông, Indonesia sẵn sàng tham gia tất cả các quá trình này, kể cả việc cử quân đội tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.
* Về phía Liên minh châu Âu (EU), ngày 2/6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU, ông Josep Borrell cho rằng, xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc sau vài tuần nếu phương Tây ngừng hỗ trợ quân sự cho nước này.
Ông Borrell nói: “Nếu chúng tôi (phương Tây) chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chiến dịch quân sự sẽ kết thúc sau vài tuần”.
Tuy nhiên, ông Borrell lại nhấn mạnh, phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì họ muốn có hòa bình ở quốc gia Đông Âu này.
* Cũng trong ngày 2/6, Chủ tịch Cơ quan lập pháp của bán đảo Crimea Vladimir Konstantinov cho rằng, việc thiết lập hòa bình ở Ukraine chỉ có thể thực hiện nếu phương Tây hiểu cần phải đàm phán với Nga.
Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố, cơ sở để giải quyết xung đột ở Ukraine chỉ có thể là “công thức hòa bình” của Kiev, bao gồm việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và thiết lập cơ chế quốc tế về bồi thường thiệt hại cho nước này.