Ngày 6/6, các nguồn tin của Ukraine cho biết, kế hoạch phản công của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) sẽ được điều chỉnh tính đến vụ nổ đập Kakhovka.
Đập Kakhovka bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ hôm 6/6. |
Các nguồn tin cho hay, tại Kiev đã diễn ra một cuộc họp thảo luận về thay đổi hình thức phản công liên quan việc con đập trên bị phá hủy.
Theo tin, Bộ Tổng tham mưu VSU không quan tâm lắm đến tình hình bên dưới hạ lưu và không có hành động tấn công nào được lên kế hoạch ở đó, song trên thượng nguồn, VSU gặp phải vấn đề không thể giải quyết nhanh chóng liên quan tới nhà máy điện hạt nhân (NPP) Zaporizhzhia.
Việc kiểm soát nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò lớn trong chiến dịch phản công của VSU, Kiev đã lên kế hoạch chiếm NPP Zaporizhzhia và thị trấn Energodar, điều cho phép đưa ra các yêu sách với Nga.
Để chiếm nhà máy, VSU sẽ tiến hành một chiến dịch đổ bộ và vượt sông Dnieper, cả dưới nước sử dụng thiết bị lặn, tuy nhiên hồ chứa Kakhovka cạn nhanh chóng khiến cho một chiến dịch như vậy là không thể.
Các kế hoạch chính cho cuộc phản công vẫn không thay đổi, rất có thể VSU sẽ bắt đầu “Trận chiến Azov”, tấn công theo hướng Zaporizhzhia, thông qua việc chiếm Vasilyevka, Tokmak và Melitopol, cắt đứt hành lang đất liền đến bán đảo Crimea.
Liên quan vụ vỡ đập Kakhovka, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat bày tỏ quan ngại ảnh hưởng đối với dân thường ở khu vực này và cho biết, Nhà nước Do Thái bị sốc trước thiệt hại to lớn này.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Haiat nêu rõ: “Hàng nghìn dân thường vô tội đang gặp nguy hiểm vì sự tàn phá khủng khiếp này. Việc nhắm mục tiêu một cách có chủ ý vào cơ sở hạ tầng trọng yếu và con người cần phải bị toàn thể cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ”.
Tuyên bố của ông Haiat tuy khẳng định vụ tấn công là “có chủ ý”, nhưng không nhắc hay quy trách nhiệm cho nước nào trong vụ việc còn đang gây tranh cãi này.
Cũng trong ngày 6/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc giải quyết hậu quả vụ vỡ đập Kakhovka cũng như viện trợ nhân đạo để giảm thiểu hậu quả của thảm họa, vốn gây ra một trận lũ lớn tràn qua hàng chục ngôi làng.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng, nếu chứng minh được vụ vỡ đập Kakhovka ở miền Nam Ukraine là cố ý, thì đó sẽ là một “mức thấp mới” trong cuộc xung đột.
Theo nhà lãnh đạo, các cơ quan quân sự và tình báo của Anh đang điều tra vụ việc và còn quá sớm để xác định nguyên nhân và đưa ra đánh giá cuối cùng.
Trung Quốc cùng ngày cũng đã lên tiếng về vụ việc. Đại sứ nước này tại Liên hợp quốc Trương Quân kêu gọi các bên kiềm chế tối đa cả trong lời nói và hành động.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an, ông Trương Quân nói: “Trung Quốc nhắc lại rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể miễn nhiễm, chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm cũng như duy trì sự an toàn và an ninh của NPP Zaporizhzhia”.
Trước đó cùng ngày, công ty sản xuất thủy điện nhà nước Ukrhydroenergo của Ukraine cho hay, Nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị phá hủy hoàn toàn và không thể phục hồi sau vụ nổ trên.