Đi qua những cánh đồng, xóm làng bình yên ven biển hiền hòa và men theo lối mòn dẫn ra biển, ghềnh Đá Đĩa hiện ra choáng ngợp như một kiệt tác giữa biển trời xanh thẳm.
Chính xác đây là kiệt tác của quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm khi núi lửa phun trào, dòng nham thạch chảy ra biển và sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi tiếp xúc với nước biển lạnh đã hình thành những khối nham thạch đông cứng.
Song song là hiện tượng ức lực nên những khối nham thạch đó bị rạn nứt theo mạch dọc, ngang, chéo đã kiến tạo nên địa hình độc đáo ở ghềnh Đá đĩa. Với diện tích khoảng 2km2, ước tính có đến 35.000 cột đá hình trụ lục giác hoặc ngũ giác xếp khít cạnh nhau khiến nhiều nhiều người hoài nghi như có chất kết dính huyền diệu ở dưới sâu chân cột.
Thời gian là câu trả lời rõ nhất bởi qua hàng triệu năm, những cột đá này vẫn bền vững bên nhau chẳng cần bất kỳ chất kết dính nào.
Có người ví ghềnh đá này như tổ ong khổng lồ khi chiêm ngưỡng từ một điểm trên cao.
Nhiều người địa phương lại gọi tên ghềnh Đá dĩa gắn với câu chuyện truyền thuyết về sự ra đời của tuyệt tác này rằng, xưa kia vùng non nước mây trời này như chốn bồng lai vì thế các vị tiên từ thiên đình thường xuống ngắm cảnh, ngâm thơ.
Để phục vụ cho những buổi yến tiệc, hàng trăm ngàn chén vàng dĩa ngọc được chuyển xuống nơi đây nhưng đến khi các vị tiên ngao du cảnh trí ở chốn khác thì bỏ quên số chén dĩa này và lâu dần chúng đã hóa đá thành những cột đá mà nhìn gần rất giống những chồng bát đĩa được xếp bày gọn gàng. Lại có truyền thuyết được nhắc đến nhiều hơn cả là câu chuyện nhân văn của một thương gia giàu có nhưng không may vợ mất sớm.
Tạp chí Heritage