Áp lực chồng chất
Trở về căn nhà trọ nóng hầm hập sau giờ tăng ca, chị Đặng Thị Cẩm Hường (42 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) ngồi bệt xuống nền gạch, thở hắt ra.
Làm công nhân ở nhà máy tại TPHCM hơn 10 năm, chị Hường thấy sức khỏe bị ảnh hưởng không ít. Chồng chị từng là một công nhân làm cùng nhà máy với chị. Gần đây, do công việc nặng nhọc, quá áp lực về chỉ tiêu sản lượng, chật vật mới theo được chuyền, anh đã quyết định nghỉ việc để làm tài xế xe ôm công nghệ.
Trước đây, hai vợ chồng chị có chung ước mơ là đến thành phố để đổi đời. Nhưng sau ngần ấy năm làm lụng, cả hai vẫn không dư dả trong khi cuộc sống, lẫn công việc ở thành phố đều áp lực hơn nhiều. Vậy nên, thỉnh thoảng vợ chồng chị lại vắt tay lên trán, nghĩ đến cảnh cả gia đình cùng rời phố, về quê.
Làm việc ở nhà máy, chị Hường lúc nào cũng thấp thỏm, lo sợ, đặc biệt là những lần công ty thông báo có đợt cắt giảm nhân sự mới. Làm lụng vất vả mà thu nhập hàng tháng làm ra của cả hai vợ chồng cũng chỉ đủ “cắt” một nửa gửi về quê, nửa còn lại vừa khít cho chuyện ăn uống, trả tiền trọ.
Chị Hường, nghĩ nếu về quê làm thì vẫn có thể xoay xở được, tiền có thể không bằng nhưng không phải chịu nhiều áp lực như ở thành phố. Vả lại, chị thấy quê hương ngày càng phát triển, cơ hội tìm kiếm việc làm là không quá khó.
“Ở thành phố đắt đỏ, không biết bao giờ mới mua được nhà. Đi xa vầy cũng nhớ ba mẹ lắm, thà về nhà ở gần ba mẹ, có gì ăn nấy, lại không áp lực. Còn trên đây, hai vợ chồng làm chật vật lắm, mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng, loay hoay là hết”, chị Hường nói.
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Nũi (quê Trà Vinh), công nhân tại TPHCM, cũng nghĩ đến chuyện trở về quê khi con tốt nghiệp, ra trường. Dù lập nghiệp ở thành phố hơn 17 năm, vợ chồng chị vẫn để con ở quê nhờ ông bà chăm giúp.
“Nghiên cứu tác động của Covid-19 đến việc làm của lao động di cư nội địa và vai trò của các bên liên quan” của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) cho thấy, có 15,5% lao động di cư trong nước được khảo sát hiện đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương có ý định trở về quê hương làm việc lâu dài.
Bởi học phí và mức sống ở quê rẻ hơn, vợ chồng chị có thể kiếm đủ tiền gửi về, lo cho con. Chị cũng dự định cho con học đại học ở Trà Vinh, rồi để con làm việc ở quê nhà, để không phải chịu cảnh bôn ba, xô bồ đầy áp lực ở thành phố như ba mẹ.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, hầu hết người lao động đã có gia đình thường để con cái cho ông bà chăm sóc và chọn cách đi làm ăn xa với hy vọng có được thu nhập cao hơn để gửi về.
Khi mục tiêu trên không đáp ứng được và điều kiện làm việc ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, người lao động có xu hướng trở về quê hương làm việc để đoàn tụ với gia đình.
“Về quê chỉ là chuyện sớm muộn”
Chị Bích Tuyền (35 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân), đã hơn chục năm làm công nhân ở TPHCM, chia sẻ nhiều lao động ở trọ chung dãy với chị cũng đã tính chuyện về quê, không còn mặn mà với thành phố nữa.
Ngoài nguyên nhân là áp lực công việc, nơi ăn chốn ở, chị Tuyền bộc bạch một phần lý do là vì quy định người lao động không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp lâu hơn 114 tháng (12 năm), khi nghỉ việc chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp của 12 năm, phần đóng dư không được bảo lưu.
“Thực tế, nhiều người đã chọn nghỉ việc để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, rồi bảo hiểm xã hội, kiếm chút vốn rồi về quê lập nghiệp, thoải mái hơn cứ ì ạch làm công nhân trên này”, chị Tuyền nói.
Anh Nguyễn Triệu Luật (40 tuổi, quê tại Vĩnh Long) bộc bạch, về quê chỉ là chuyện sớm muộn của công nhân như vợ chồng anh.
“Một số công nhân lên đây mấy chục năm, dành dụm đủ tiền mua nhà từ nhiều năm về trước. Lúc đó, nhà còn rẻ, họ còn mua được rồi tính chuyện cho con cái học hành, đi làm ở thành phố. Còn bây giờ nhà, đất giá cao quá, công nhân chúng tôi làm cả đời cũng không mua được, sao dám tính chuyện lâu dài ở đây”, anh Luật trải lòng.
Thu nhập không dư dả để mua nhà phố nhưng anh Luật và vợ vẫn đủ tiền mua một mảnh đất ở quê. Vợ chồng anh chỉ chờ con học xong, cả gia đình anh sẽ về quê sinh sống.
“Ở quê có ruộng đất, làm lụng để sống cũng ổn. Lúc đó, con lớn rồi, chúng tôi cũng đỡ lo hơn”, anh Luật nói.
Theo dự báo nhân khẩu học của TPHCM, trong trung và dài hạn, đà tăng dân số của Thành phố có khả năng sẽ giảm. Với việc mức sinh con của phụ nữ thấp (khoảng 1,2%) thì số lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ chững lại trong dài hạn.
Đồng thời, dòng di cư dân số ở TPHCM có thể chững lại do các địa phương vệ tinh đang phát triển rất mạnh. Điều này góp phần làm số lượng người lao động nhập cư vào TPHCM có xu hướng giảm trong tương lai.
Theo UBND TPHCM, nguồn lao động nhập cư ngày trước chỉ có một sự lựa chọn là TPHCM thì nay có nhiều điểm đến để lựa chọn. Đó là thách thức lớn cho việc phát triển nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhân lực của thành phố.
Thành phố dự báo trong giai đoạn 2024-2030, tốc độ gia tăng của nhu cầu lao động nhanh hơn so với nguồn cung, đặc biệt là từ năm 2027 trở đi. Điều này có thể tạo nên tình trạng thiếu lao động, gây ra áp lực cạnh tranh giữa các công ty.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/kiet-suc-giua-thanh-pho-cong-nhan-tinh-chuyen-lui-quan-20240612130712920.htm