Một tuyến đường ở TP. Rạch Giá (Kiên Giang), sáng 5-10. Ảnh: TN
Tuy nhiên, để “chiến dịch” thành công mỹ mãn rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và ý thức chấp hành từ phía người dân.
THÓI QUEN HAY HÀNH VI VI PHẠM?
Trước hết, trình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang trực tiếp phá vỡ chức năng cơ bản của không gian công cộng. Vỉa hè vốn dĩ là nơi dành riêng cho người đi bộ, đảm bảo an toàn và sự thuận tiện trong việc di chuyển. Tuy nhiên, tại nhiều đô thị, vỉa hè như một “thói quen” cố hữu luôn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, bãi đỗ xe, thậm chí xây dựng các công trình tạm bợ.
Không chỉ vậy, tại một số tuyến đường, vỉa hè, lòng đường cũng bị chiếm dụng để đậu xe cho khách khi đến các hàng quán, cơ sở dịch vụ, kinh doanh. Không còn lối đi dành cho người đi bộ, buộc người dân phải xuống lòng đường, thậm chí phải đi ra giữa lòng đường khi có việc đi qua những tuyến đường này làm gia tăng rủi ro tai nạn giao thông, tại nhiều thời điểm nhất định còn gây ùn tắc, hỗn loạn giao thông cục bộ.
Với một số người còn xem việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trước nhà mình như một điều hiển nhiên và tự nhiên, không màng đến hậu quả lâu dài đối với xã hội và môi trường xung quanh. Những người buôn bán nhỏ có thể coi việc kinh doanh trên vỉa hè là sinh kế thiết yếu, nhưng điều này không thể là lý do để phá vỡ quy tắc chung của xã hội. Đối với những hộ kinh doanh hàng quán, cơ sở lớn xem việc sử dụng vỉa hè, lòng đường trước nhà, cơ sở của mình là một việc tự nhiên, không cần phải xin phép.
Tất cả phải nhớ và nhận thức rõ ràng rằng, không gian công cộng không thuộc quyền sở hữu của bất cứ cá nhân nào mà là của cộng cộng và chỉ có quyền sử dụng vào mục đích chung. Mỗi hành vi lấn chiếm đều đang tước đi quyền lợi của số đông người khác; vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ…
Thực tế cho thấy, nguyên nhân còn có việc quản lý lỏng lẻo từ chính quyền cơ sở khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè không giảm. Các chiến dịch dọn dẹp thời gian qua chỉ mang tính tạm thời, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì tình trạng lấn chiếm tạm dừng, nhưng khi lực lượng vắng mặt, mọi thứ lại trở về như cũ. Mặt khác, sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan địa phương cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát. Trách nhiệm giữa các ban, ngành, từ công an, thanh tra xây dựng, đến quản lý đô thị đôi khi chưa được phân định rõ ràng. Kết quả là có những khu vực tồn tại tình trạng lấn chiếm kéo dài mà không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm xử lý.
Cuối cùng, hậu quả của tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không chỉ dừng lại ở khía cạnh giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và chất lượng sống của cư dân đô thị. Những quầy hàng tự phát, rác thải vứt bừa bãi, hay các biển quảng cáo treo lủng lẳng tạo ra hình ảnh lộn xộn và thiếu văn minh. Hình ảnh này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến du khách mà còn làm giảm giá trị của các đô thị, làm nhạt đi tính cách văn hóa và bản sắc địa phương.
TẤT CẢ CÙNG VÀO CUỘC
Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TP. Rạch Giá, Thành ủy Rạch Giá đã vào cuộc ban hành nghị quyết quyên đề về vấn đề này, UBND TP. Rạch Giá có kế hoạch và đã triển khai. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở cần đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi các chủ trương, chính sách, kế hoạch về quản lý đô thị, giữ gìn hành lang an toàn giao thông và trật tự đô thị. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định cụ thể, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Các phường cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, lực lượng quản lý trật tự đô thị, thanh tra xây dựng để giám sát và giải quyết kịp thời các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt là cần tổ chức các chiến dịch dài hơi, không chỉ mang tính chất phong trào mà cần duy trì giám sát liên tục để ngăn ngừa tình trạng tái diễn.
Thành phố cần có kế hoạch quy hoạch đô thị rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo vừa phát triển hạ tầng vừa bảo vệ được không gian công cộng. Những giải pháp sáng tạo trong việc sắp xếp không gian cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tổ chức khu vực buôn bán hợp pháp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lấn chiếm.
Phải thống nhất xác định, vỉa hè, lòng đường là không gian chung của xã hội, việc lấn chiếm không chỉ gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống của chính bản thân người vi phạm. Vì vậy, người dân phải nâng cao ý thức về việc tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến trật tự đô thị, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Việc buôn bán, đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường cần phải chấm dứt.
Trong thực thi, chúng ta cần một chiến lược đồng bộ và kiên quyết từ chính quyền và sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân. Chính quyền cần thể hiện sự kiên định trong việc giữ gìn và bảo vệ trật tự đô thị. Người dân cần thể hiện trách nhiệm công dân của mình, từ bỏ thói quen lấn chiếm không gian công cộng và chung tay xây dựng môi trường sống văn minh.
Chính quyền cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh tuân thủ quy định. Các khu vực buôn bán hợp pháp, các điểm đỗ xe hợp lý cần được bố trí khoa học để không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn toàn giao thông và vẫn đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Cũng nên tính đến phương án thí điểm cho chủ các hàng quán, hộ kinh doanh thuê khu vực vỉa hè, lòng đường trước nhà, trước cơ sở kinh doanh đối với những tuyến đường không quá bức xúc về lưu lượng giao thông. Điều này vừa tạo sự công bằng, vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách, vừa duy trì hiệu quả kinh doanh của các hộ dân. Cộng đồng cần phát huy vai trò giám sát, cùng chính quyền phát hiện và phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm, từ đó góp phần giữ gìn và bảo vệ trật tự, mỹ quan đô thị.
TRỌNG NGHĨA
Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/ban-luan/tu-via-he-den-long-duong-22617.html