Bài 1: Điểm tựa để hộ nghèo vươn lên
CHI HỘI ĐƯỢC TIẾP SỨC
Sau thời gian dài giữ ở mức thấp, những tháng cuối năm 2024, giá lươn thương phẩm trên địa bàn tỉnh tăng trở lại, giúp nông dân có lợi nhuận. Theo ông Nguyễn Văn Thép – Chi hội trưởng Chi hội nông dân nuôi lươn ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng), việc giá lươn tăng mang đến niềm vui kép cho hội viên vì trước đó 9 hộ nông dân được Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân huyện Giồng Riềng giải ngân 230 triệu đồng hỗ trợ nuôi lươn thương phẩm. 3 tháng trở lại đây, giá lươn thương phẩm tăng đạt mức 120.000 đồng/kg loại lươn xô, giúp người nuôi có lãi từ 30.000-40.000 đồng/kg.
“Hai năm dịch COVID-19 khiến lươn thịt nuôi không bán được, nếu bán thì chỉ ở mức thấp khiến nông dân thua lỗ. Để duy trì sản xuất, tôi tìm cách cho lươn sinh sản để lấy con giống phục vụ tại chỗ, rồi chia cho người dân cùng nuôi vì tôi nhận thấy phải tìm cách hạ giá thành sản xuất thì mới không lo thua lỗ nữa”, ông Thép nói.
Ông Nguyễn Văn Thép (bên phải) – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nuôi lươn ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) kiểm tra độ lớn của lươn thương phẩm trong bồn không bùn.
Năm 2024, dự án nuôi lươn thương phẩm của ông Thép và 10 hộ dân ấp Hòa Phú được quỹ hỗ trợ nông dân huyện Giồng Riềng cho vay 250 triệu đồng, giúp các hộ nuôi lươn có điều kiện tái đầu tư, khôi phục sản xuất sau thời gian dài thua lỗ vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Hòa Phú nói: “Được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân huyện 20 triệu đồng, được chi hội hướng dẫn cách nuôi nên sau 2 năm nuôi lươn gia đình tôi thoát nghèo. Mùa nước nổi này tôi đặt dớn lấy lươn con nuôi thêm, bắt thêm cá tạp làm thức ăn nên giảm chi phí sản xuất”.
Nhờ sản xuất tại chỗ nên ông Thép bán con giống cho người dân với giá 3.000 đồng/con, thấp hơn thị trường từ 500 đến 1.000 đồng/con, phần nào san sẻ khó khăn với nông dân, mang lại động lực khuyến khích người nuôi tiếp tục duy trì mô hình này. Trải qua những ngày khó khăn, hiện toàn Chi hội nông dân nuôi lươn ấp Hòa Phú có 15 hộ nuôi 40 bồn lươn, sản lượng cung ứng ra thị trường từ 20-25 tấn lươn thương phẩm/năm. Riêng gia đình ông Thép thu lợi nhuận hơn 175 triệu đồng/năm từ nghề nuôi lươn giống kết hợp lươn thịt.
NÂNG CHẤT HẠT GẠO
Sau 17 năm chọn cây lúa làm kế sinh nhai, vợ chồng ông Ngô Văn Minh, thành viên Hợp tác xã nông dân Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) đến nay sở hữu 40ha ruộng, tăng 36ha so với lúc mới ra riêng năm 2007. “Hễ làm có dư vợ chồng tôi lại tích góp rồi vay vốn ngân hàng mua thêm đất ruộng. Đất vùng này có nơi còn nhiễm phèn nặng nên bán giá rẻ, tôi mua rồi chịu khó cải tạo lại”, ông Minh nói.
Năng suất lúa tăng lên qua từng năm, nhưng ông Minh nhận thấy để thích nghi với thị trường không thể chỉ làm theo tập quán cũ mà cần phải thay đổi. 3 năm gần đây, ông chọn giống lúa chất lượng cao được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu như Đài Thơm 8, OM 18, DS1 để canh tác.
Thành viên Hợp tác xã nông dân Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) thu hoạch lúa bán cho doanh nghiệp liên kết bao tiêu.
Ông Minh cho biết khi tham gia dự án trồng lúa chất lượng cao, được Hội Nông dân xã Phú Mỹ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, được tập huấn khoa học, kỹ thuật, ông và 14 hộ dân cùng ấp đã tạo bước đột phá mới đó là hình thành được vùng lúa chất lượng cao, tạo sự lan tỏa trong các hộ còn lại của Hợp tác xã nông dân Trần Thệ.
“2 năm tham gia dự án, tôi dùng máy bay sạ lúa chỉ 7kg giống/công, giảm 3kg/công. Lúa sạ thưa vừa giảm chi phí giống, vừa giúp lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh nên giảm phân bón, thuốc trừ sâu. Cộng thêm mấy năm gần đây giá lúa chất lượng cao đạt chuẩn xuất khẩu luôn ở mức cao nên lợi nhuận tăng từ 10-20%”, ông Minh nói
Mặc dù phải đến tháng 11-2024 mới đến hạn thu hồi nguồn vốn hỗ trợ 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, nhưng từ giữa tháng 10-2024, ban quản lý dự án trồng lúa chất lượng cao ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) đã thu hồi đủ nguồn vốn và hoàn trả về cho Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ Cao Hoài Lượm, dự án trồng lúa chất lượng cao ấp Trần Thệ đã đạt mục tiêu đề ra. 15 hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích vào sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích 95ha. Tổng lợi nhuận của dự án đạt khoảng 5,6 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng hơn nhờ sử dụng giống chất lượng cao, kết hợp sạ thưa, giảm chi phí sản xuất và có liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa hàng hóa. Bình quân mỗi hộ thu lợi nhuận hơn 190 triệu đồng/năm.
Với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí, phương thức cho vay đơn giản, hiệu quả nhờ tận dụng lợi thế tổ chức hội nông dân huyện và cơ sở, chất lượng cho vay của quỹ hỗ trợ nông dân nhiều năm qua được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp so với các chương trình tín dụng khác. Ngoài ra, cán bộ ban điều hành quỹ nắm rõ địa bàn, thẩm định cho vay sát thực tế, thường xuyên theo dõi các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, quản lý vốn vay hiệu quả…
Kiên Giang đang triển khai thực hiện đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Thái Văn Phúc, đề án này hết sức ý nghĩa với nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” theo đúng cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.
“Nhằm góp phần thực hiện thành công đề án này, Hội Nông dân tỉnh giải ngân 6,4 tỷ đồng hỗ trợ 16 dự án sản xuất lúa chất lượng cao của 101 hộ nông dân. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục giải ngân 10 dự án với kinh phí 5 tỷ đồng cho 50 hộ vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân do ngân sách tỉnh cấp bổ sung vốn điều lệ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Thái Văn Phúc nói.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/nong-nghiep/phat-huy-hieu-qua-quy-ho-tro-nong-dan-bai-2-tro-luc-thuc-day-kinh-te-tap-the-phat-trien-23314.html