Bà Phạm Thị Bạch Thủy – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Thái Thủy cho biết công ty gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất sản phẩm tôm sấy cán xay.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, một số chủ thể OCOP còn có nhu cầu được đào tạo thêm về kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Một số chủ thể cho biết, mặc dù sản phẩm của họ đạt chuẩn OCOP nhưng vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá bán chưa cao so với mặt hàng thông thường. Điều này chủ yếu do thiếu kết nối với các kênh phân phối lớn hoặc chưa có chiến lược marketing hiệu quả.
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay Kiên Giang có 269 sản phẩm được công nhận OCOP gồm 6 sản phẩm 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao, 227 sản phẩm 3 sao của 136 chủ thể. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh là thực phẩm như: Nước mắm Phú Quốc, thủy sản khô, thủy sản tươi đông lạnh, cà xỉu muối Hà Tiên, chả cá phi, dưa bồn bồn, gạo hữu cơ…
Bà Ngô Hồng Phước – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang cho biết, từ những vướng của các chủ thể OCOP được nêu ra, sau hội thảo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tiếp tục phối hợp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang làm việc với các huyện nhằm thông tin về những chính sách phục vụ phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, lắng nghe những khó khăn từ thực tế đặt ra để từ đó có cơ sở đề xuất, kiến nghị cấp trên hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang ký bản ghi nhớ hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Thái Thủy vay vốn.
Theo ông Lâm Quốc Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia sàn thương mại điện tử, đồng thời, phối hợp Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh mở miễn phí 500 website cho các chủ thể OCOP mua bán, giới thiệu sản phẩm, từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành hệ sinh thái giúp chủ thể OCOP xây dựng và phát triển tốt các sản phẩm.
Dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang ký bản ghi nhớ hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Thái Thủy vay 5 tỷ đồng đầu tư máy móc và bổ sung vốn nhập nguyên liệu sản xuất các sản phẩm OCOP.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang II ký bản ghi nhớ hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn cốm gạo BiBo vay 2 tỷ đồng đầu tư máy móc tự động hóa, mở rộng nhà xưởng.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH
Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/nong-nghiep/nhieu-chu-the-ocop-keu-kho-trong-san-xuat-tieu-thu-san-pham-22776.html