Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta.
Bức tranh chung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến, sáng sủa hẳn lên; đồng bào tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng vươn lên trong làm ăn kinh tế từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nhiều chủ trương, quyết sách đối với vùng được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách lớn có liên quan đến công tác dân tộc.
Năm 2025 phải tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I và chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn II của chương trình; dứt khoát không để nhiệm vụ nào giai đoạn I của chương trình còn nợ đọng.
Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, các địa phương phải đẩy nhanh hơn tiến độ thi công các công trình hạ tầng và giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, các địa phương tích cực, chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách dân tộc; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Coi công tác dân tộc miền núi không chỉ là trách nhiệm của Ủy bản Dân tộc mà là trách nhiệm cần chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong hỗ trợ, chăm lo phát triển vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang.
Năm 2024, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, nhờ vậy việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7%/năm.
Đến nay, có 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; có 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; có 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; có 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 3%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục duy trì phát triển. Mức sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Cùng cả nước, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân và các ngày lễ kỷ niệm của đất nước. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức đoàn công tác thăm, chúc Tết tại 12 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số trên 3,5 tỷ đồng; thăm, tặng quà nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng cùng hàng hóa, lương thực.
Từ các chính sách dân tộc đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo.
Trung tâm trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 36.919 vụ việc cho 36.919 lượt người được trợ giúp pháp lý là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương đã hoàn thành công tác tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số năm 2024. Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng bằng khen 50 tập thể, 244 cá nhân và 200 kỷ niệm chương vì sự phát triển các dân tộc…
Đối với vốn đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm cả vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024, cả nước giải ngân đến 30-11-2024 trên 9.807 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch; trong đó giải ngân nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024 trên 1.455 tỷ đồng, nguồn vốn năm 2024 giải ngân trên 8.351 tỷ đồng. Ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đến 31-12-2024 đạt trên 12.560 tỷ đồng.
Đối với vốn sự nghiệp bao gồm cả vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024, cả nước giải ngân trên 3.092 tỷ đồng, đạt 15,7% tổng dự toán thực hiện năm 2024.
Tin và ảnh: DANH THÀNH
Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/trong-tinh/doi-song-nguoi-dan-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-khong-ngung-cai-thien-23848.html