Bà P.P.N. (79 tuổi, tỉnh Kiên Giang) phải mang tã khoảng 8 năm nay do són tiểu. Chỉ cần bà có cảm giác muốn đi tiểu, nước tiểu tự động rỉ ra ngay, không thể nhịn. Bà đã đến khám tại nhiều bệnh viện nhưng chưa tìm ra phương pháp điều trị cảm thấy an tâm.
Tại Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, bà P.P.N tiếp tục được chẩn đoán lâm sàng bị sa bàng quang mức độ 3, một phần bàng quang lộ hẳn ra khỏi âm đạo, kèm tình trạng niệu đạo tăng di động nên tình trạng són tiểu càng trầm trọng hơn.
Để điều trị dứt điểm cho bà N., bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi khâu treo bàng quang kết hợp đặt lưới nâng niệu đạo TOT (có tác dụng nâng đỡ cho các vòng cơ niệu đạo đã suy yếu). Sau phẫu thuật, sức khoẻ bà N. đã ổn định.
TS.BS Lê Phúc Liên – Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, tiểu không kiểm soát được chia thành nhiều dạng: tiểu gấp không kiểm soát xảy ra ngay khi có cảm giác buồn tiểu, không thể nhịn; tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra khi ho, hắt hơi, cười lớn, mang vác vật nặng; tiểu không kiểm soát do tràn đầy xảy ra do bàng quang không được làm trống hoàn toàn, nước tiểu tự động rỉ ra lắt nhắt; tiểu không kiểm soát hỗn hợp.
Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân, nhóm nguy cơ khác cũng khiến phụ nữ bị són tiểu như tiêu thụ đồ uống, thực phẩm kích thích bàng quang như bia rượu, cà phê, trà, đồ ăn chua cay;… nhiễm khuẩn đường tiết niệu; thừa cân béo phì; một số tổn thương thần kinh; táo bón lâu ngày; chấn thương vùng chậu; bệnh tiểu đường; bàng quang tăng hoạt…
Bác sĩ Liên cho biết, són tiểu gây nhiều bất tiện, phiền toái cho phụ nữ. Nhiều người són tiểu nặng, phải mang băng vệ sinh hoặc tã cả ngày nên cảm thấy mặc cảm, tự ti trong giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động xã hội, sống khép kín, thậm chí không chia sẻ với người thân.
Ngoài ra, phụ nữ bị són tiểu trong thời gian dài có thể phát sinh các vấn đề về da như viêm loét, ngứa, phát ban; thường xuyên tái phát nhiễm trùng tiểu.