“Đẹp lắm quê mình con sóng lúa bao la thơm ngát hương hoa/Quê em Bình Định lắng sâu đậm đà…” là những lời ca mở màn cho bài hát múa chèo của gần 100 học sinh, giáo viên đang sinh hoạt tại câu lạc bộ (CLB) chèo của Trường Tiểu học Bình Định. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kiến Xương, tất cả các xã, thị trấn đều có CLB chèo với nhiều hoạt động sôi nổi.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Bình Định tập hát chèo.
Nhân rộng điểm sáng
Là một trong những CLB chèo sinh hoạt đều đặn trên địa bàn huyện Kiến Xương, CLB chèo xã Vũ Bình có hơn 90 thành viên, trong đó người trẻ tuổi nhất ngoài 20 tuổi, người cao tuổi nhất đã hơn 70 tuổi. Có cả nam và nữ tham gia sinh hoạt, các thành viên cũng ở nhiều ngành nghề nhưng buổi sinh hoạt nào của CLB cũng rất đông đủ.
Bà Phan Thị Tươi, chủ nhiệm CLB cho biết: Cùng với tình yêu, mong muốn góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống, một trong những lý do khích lệ tinh thần anh chị em trong CLB là luôn nhận được sự quan tâm sát sao từ Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện. Thành viên của CLB đã được tham gia một số lớp tập huấn do huyện tổ chức, có kỹ năng hát múa chèo, ngoài ra còn được cấp trang phục, một số thiết bị phục vụ biểu diễn nên trong những ngày kỷ niệm hay lễ hội của địa phương, CLB đều nhiệt tình đóng góp các tiết mục chèo.
Hiện nay, trên địa bàn xã Vũ Bình, không chỉ nhà văn hóa xã mà các thôn đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi sinh hoạt thường xuyên của các CLB văn hóa văn nghệ. Bởi vậy, nếu như trước đây, các CLB chèo tại cơ sở thường rất khó khăn về địa điểm tập luyện, loa đài, trang phục biểu diễn, thì nay nhà văn hóa thôn, xã đang dần đáp ứng nhu cầu của người dân.
CLB chèo xã Vũ Bình với một tiết mục chèo ca ngợi quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Văn Ca, thành viên CLB chèo xã Vũ Bình cho biết: Nếu chèo mà không yêu thì không thể hát được, cũng không thể múa được. Bản thân tôi đam mê chèo từ rất lâu rồi nhưng chưa khi nào nghĩ mình có thể hát chèo, biểu diễn chèo. Từ khi được tham gia một số lớp tập huấn tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện, chúng tôi hiểu về chèo, nắm bắt những kỹ năng cơ bản, về CLB tự tập luyện hàng tuần nên bây giờ hoạt động rất tốt. Anh chị em đau đáu vấn đề hiện nay là các nhạc công chưa có, đa phần hát, múa theo nhạc đã được ghi sẵn nên rất mong sẽ được tập huấn thêm về bộ gõ trong chèo, từ đó CLB có thể tự dàn dựng và biểu diễn.
CLB chèo xã Vũ Bình là một trong những CLB mới được tham gia lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật chèo do Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện tổ chức. Từ nhu cầu chính đáng của người yêu chèo, thời gian tới, huyện Kiến Xương sẽ tiếp tục tổ chức thêm các lớp tập huấn, thiết thực hỗ trợ việc duy trì hoạt động thường xuyên tại cơ sở. Từ phong trào sôi nổi tại những CLB điểm như CLB chèo xã Vũ Bình sẽ từng bước góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo, hình thành và phát triển CLB tại các thôn, xã khác.
Quan tâm thế hệ tiếp nối nghệ thuật truyền thống
Tháng 7/2023, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Kiến Xương phối hợp UBND xã Bình Định tổ chức lớp dạy hát múa chèo tại Trường Tiểu học Bình Định. Hào hứng tham gia lớp học, gần 100 học sinh, giáo viên được tập luyện những ca khúc chèo có nội dung về mái trường, quê hương. Với những lời ca mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, nghệ thuật chèo trở nên gần gũi hơn với các em học sinh.
Em Trần Tuệ Linh, lớp 5A, Trường Tiểu học Bình Định chia sẻ: Con rất vui và tự hào khi được các thầy cô dạy hát múa chèo. Trong năm học tới con mong muốn sẽ được học về chèo nhiều hơn để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương.
Từ sự sôi nổi trong hoạt động của CLB chèo trong trường học, phụ huynh học sinh đều mong muốn việc truyền dạy, sinh hoạt CLB chèo của trường sẽ diễn ra đều đặn không chỉ trong dịp hè mà xuyên suốt năm học sắp tới.
Cô giáo Bùi Thị Phương, Trường Tiểu học Bình Định thông tin thêm: Với thành viên là thầy cô giáo, các em học sinh cốt cán của 18 lớp, hiện nay CLB đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị tiết mục văn nghệ cho năm học mới, đặc biệt vào ngày khai giảng của trường sẽ có tiết mục đồng diễn múa hát chèo dành cho 700 em học sinh cùng thầy cô giáo toàn trường. Trong năm học mới này, liên đội trường cũng sẽ duy trì 1 tuần ít nhất 2 – 3 tiết học hoạt động ngoài giờ và ca múa hát tập thể để lưu giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống.
Chèo dành cho mọi người, mọi lứa tuổi, từ những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ như ở Trường Tiểu học Bình Định, đến những người cao tuổi ở CLB chèo xã Vũ Bình. Tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật truyền thống như sợi dây vô hình mà bền chặt tạo nên sự gắn kết các thế hệ. Cùng với biết bao người con quê lúa trên khắp dải đất hình chữ S, họ mong mỏi nghệ thuật chèo sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tú Anh