Tại di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) hiện nay có 5 khu lăng mộ vua và hoàng hậu dưới triều Lê Sơ gồm: lăng mộ vua Lê Thái Tổ (vua Lê Lợi); lăng mộ vua Lê Thái Tông; lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao; lăng mộ vua Lê Thánh Tông; lăng mộ vua Lê Hiến Tông.
Riêng lăng mộ vị vua cuối cùng của triều Lê Sơ là Lê Túc Tông không an táng tại Sơn lăng (Lam Kinh) mà an táng tại thôn 1, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cách khu Sơn lăng khoảng 4 km về phía Tây Bắc.
Đáng chú ý, trong khu Sơn lăng chỉ có duy nhất một khu lăng mộ nữ giới, đó là lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ của vua Lê Thánh Tông) được an táng, xây lăng, lập bia thờ cúng tại phía Đông khu di tích Lam Kinh.
Theo sử sách, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ở làng Đồng Phang (nay thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), trong một gia đình đại tộc, cha bà là Vương Dụ Ngô Từ, một vị khai quốc công thần đã theo Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh từ những ngày đầu.
Năm 16 tuổi, bà theo chị gái vào hầu vua Lê Thái Tông ở hậu cung, được nhà vua sủng ái, phong sắc Tiệp dư ở cung Khánh Phương, lúc đó bà 18 tuổi. Truyền thuyết kể lại rằng thân mẫu của bà lúc đang mang thai mộng thấy có một tiên đồng từ cung trăng xuống rồi đi vào nhà, tỉnh dậy bà sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao.
“Khi bà sinh ra, trong nhà có mùi thơm kỳ lạ, ngoài sân có tiếng nhạc, âm luật khác thường như nhạc tiên. Đến khi lớn lên, theo người nhà đi làm việc ngoài đồng, thường có đám mây ngũ sắc che trên đầu bà, trẻ nhỏ thường chạy theo để được mát lây. Có người biết vậy nên nói “Gái ấy đáng là mẹ của thiên hạ”- hướng dẫn viên Khu di tích đặc biệt Lam Kinh Hoàng Thị Hiền kể.
Khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo
Sau khi vào cung, lúc sắp sinh bà Ngọc Dao mơ thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con trai bà, tiên đồng ấy dùng dằng không chịu đi ngay, Thượng đế giận cầm cái hốt ngọc đánh vào trán tiên đồng chảy máu. Bà giật mình tỉnh giấc sinh ra Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông), khi sinh ra trên trán vua có 1 vết sẹo giống như đã thấy trong giấc mộng.
Tuy nhiên, bà cũng chịu không ít sóng gió, thị phi, nhiều lần suýt mất mạng do cảnh triều đình nhiễu nhương, ganh tị tìm cách mưu hại. May có sự đùm bọc, che chở của vợ chồng quan Hành Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Năm 1460, sau nhiều loạn lạc, mẹ con bà được các quan đại thần đưa về cung, tôn Lê Tư Thành lên làm vua (vua Lê Thánh Tông), bà trở thành Hoàng thái hậu.
Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao mất năm 1496, thọ 76 tuổi, ở ngôi Hoàng thái hậu được 37 năm. Sau khi bà mất đã được đưa về Lam Sơn an táng xây lăng, lập bia.
“Có thể nói Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao là người có công rất lớn trong dòng tộc cũng như của vương triều Lê, vì bà là người sinh ra vị vua anh minh nhất trong triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam, đó là vua Lê Thánh Tông, có công nuôi dưỡng ông trở thành một người con xuất chúng”- bà Hiền thông tin.
Cũng theo bà Hoàng Thị Hiền, lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao có điểm đặc biệt so với tất cả các lăng mộ ở khu Sơn lăng là mộ bà xây thấp, phải đi xuống, trong khi tất cả các lăng mộ của vua đều xây rất cao, đi lên. Nét đặc biệt nữa là tượng quan hầu bên mộ bà cũng là nữ quan.
Lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao
“Lăng mộ bà trước đây được xây bằng gạch, năm 1998 lăng mộ được trùng tu tôn tạo như bây giờ. Hằng năm, lăng mộ bà cũng là điểm tâm linh được nhiều du khách lui tới để dâng hương tưởng nhớ, cầu bình an”- bà Hiền chia sẻ.