Tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng vào hôm 11-11, quản lý thị trường vàng và tăng trưởng tín dụng là hai nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất.
Vì sao “Big4” chỉ bán, không mua vàng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – nhận định việc Ngân hàng Nhà nước giao cho bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước – nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC trực tiếp bán vàng miếng SJC cho người dân là để bình ổn giá vàng. Mục đích của giải pháp này là tăng cung cho thị trường và kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
“Còn vì sao bốn ngân hàng này không mua lại vàng, theo tôi, bản chất sâu xa của giải pháp này là để hạn chế việc người dân mua – bán vàng. Nếu chính sách tạo thuận tiện cho việc mua – bán vàng quá dễ dàng là không nên trong bối cảnh nền kinh tế cần huy động tối đa nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng” – ông Long nhận định.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM cho hay có nhiều lý do để nhóm Big4 chỉ bán vàng mà không mua vàng. Trên thực tế nhiều ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng.
“Khi Ngân hàng Nhà nước đưa vàng xuống để các ngân hàng trong nhóm Big4 bán cho người dân, các ngân hàng “mặc định” có một mức lợi nhuận để trang trải chi phí vận hành (thời gian qua là 1 triệu đồng/lượng). Nhưng nếu ngân hàng mua vàng vào thì lại là câu chuyện khác. Khi đó xem như họ phải kinh doanh vàng “bất đắc dĩ”, rồi họ phải cân đối trạng thái (cân bằng giữa mua vào và bán ra), phải xử lý như thế nào để không lỗ và có lợi nhuận khi giá cả biến động liên tục”, vị giám đốc doanh nghiệp vàng nói.
Bên cạnh đó, theo vị giám đốc doanh nghiệp vàng này, một lý do khác đó là nạn vàng nhái rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt giữa miếng vàng thật và miếng vàng nhái do mẫu mã, trọng lượng gần như nhau, cũng là vàng 9999. Thậm chí những điểm khác biệt trước đây có thể giúp nhận diện được vàng nhái cũng dần bị qua mặt”.
Ngay cả những nhân viên kiểm định nhà nghề cũng vẫn bị “lọt”. Do vậy việc nhiều ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng nếu bây giờ tham gia mua vàng miếng sẽ dễ để lọt vàng nhái, qua đó kẻ xấu sẽ “hợp thức hóa” vàng nguyên liệu trôi nổi nhằm thu lợi nhuận khủng. Cần nhắc lại, giữa vàng nguyên liệu và vàng SJC có lúc chênh nhau 5-6 triệu đồng/lượng.
Sàn vàng và huy động vốn vàng
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã từng áp dụng cả hai hình thức này nhưng chưa thành công, để lại nhiều hệ lụy sau đó phải giải quyết.
Phải đóng cửa sàn vàng vì nhiều người… phá sản
Theo chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực vàng, chưa nên đặt vấn đề lập sàn vàng vì nhiều rủi ro cho nhà đầu tư bởi giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và các nhà đầu tư cũng chưa có đủ kinh nghiệm cũng như các công cụ phòng ngừa rủi ro như các sàn vàng chuyên nghiệp của thế giới.
Chưa kể kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy hoạt động của các sàn vàng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Thực tế, Việt Nam từng có sàn vàng hoạt động rầm rộ. Nhưng cuối năm 2009, sau nhiều tháng hoạt động để lại nhiều hệ lụy lớn cho nhà đầu tư như phá sản, thua lỗ, gây bất ổn về tỉ giá, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã ra lệnh đóng cửa các sàn vàng.
“Lập sàn vàng không khó nhưng quản lý, điều hành sàn vàng là cả một vấn đề. Trong quá khứ sàn vàng là một câu chuyện rất nhức nhối và Ngân hàng Nhà nước mất rất nhiều công sức mới dẹp được sàn vàng. Chưa kể hiện nay thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới. Chúng ta không thể chơi cuộc chơi của riêng mình”, chuyên gia này nói.
Có nên huy động vàng?
Hệ thống ngân hàng cũng đã từng huy động vàng nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt huy động vì hầu hết người vay vàng đều thua lỗ do giá vàng tăng liên tục.
Khi đó các ngân hàng huy động vàng, một phần cho vay bằng vàng và nhiều người vay gặp khó do giá vàng tăng liên tục. Phần khác ngân hàng cũng “lên bờ xuống ruộng” vì lỡ bán vàng để lấy VND cho vay, đến khi cần vàng trả cho dân thì giá đã trên trời! Khi đó, Ngân hàng Nhà nước phải dùng ngoại tệ để nhập vàng bán cho ngân hàng dập ra vàng SJC trả cho dân, gây áp lực lớn đến tỉ giá.
Phải mất nhiều tháng với rất nhiều ngoại tệ mới có thể chấm dứt huy động vàng vào năm 2013. Từ hơn chục năm qua, hình thức huy động vốn vàng hữu hiệu nhất là giảm dần lượng tiền đổ vào vàng, thay vì để dân dùng tiền mua vàng rồi phải tìm cách huy động lại số vàng đó.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kien-tri-chong-vang-hoa-nen-kinh-te-20241112081441136.htm