Ban Tôn giáo chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Sở Nội vụ Hà Tĩnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo, trực thuộc Sở Nội vụ.
Ông Phan Quốc Khánh (bên trái) được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tôn giáo từ cuối năm 2019 đến nay.
Ban Tôn giáo là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nội vụ, giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
Ban Tôn giáo có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật. Ban chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Sở Nội vụ; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ (trực thuộc Bộ Nội vụ).
Lãnh đạo Ban gồm Trưởng ban và 1 Phó Trưởng ban. Trưởng ban là người đứng đầu Ban Tôn giáo, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban. Phó Trưởng ban là người giúp Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Trưởng ban vắng mặt, Phó Trưởng ban được Trưởng ban ủy quyền điều hành hoạt động của Ban.
Ban có Phòng Phật giáo và tổng hợp; Phòng Công giáo và Tôn giáo khác. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Ban Tôn giáo thực hiện theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
Số người làm việc của Ban Tôn giáo thực hiện theo Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nằm trong tổng biên chế công chức, tổng số lượng người làm việc của Sở Nội vụ được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo Ban Tôn giáo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế hoạt động của Ban để xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí biên chế theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; xây dựng quy chế hoạt động theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Điều 2 Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 17/9/2008 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Tôn giáo.
Như Anh