Từ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, được thiên nhiên “ban tặng” đến hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ cùng chiến lược phát triển bài bản, quy hoạch lâu dài, chính sách thu hút đầu tư cởi mở… các chuyên gia nhận định Bình Thuận đang đứng trước rất nhiều cơ hội và tiềm năng để định vị, kiến tạo lợi thế phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe mang tầm quốc tế.
Là tỉnh ở duyên hải cực Nam Trung bộ, du lịch Bình Thuận bắt đầu tạo dấu ấn với du khách bằng sự kiện nhật thực toàn phần, thu hút du khách đến Mũi Né để chứng kiến hiện tượng kỳ thú và tham quan bờ biển xinh đẹp, mở ra một trang mới cho sự phát triển du lịch Bình Thuận. Với lợi thế về thiên nhiên khi có đường bờ biển dài 192 km, đẹp, trong lành, ngày nắng bình quân lên đến 300 ngày, thời tiết ấm áp, thích hợp tổ chức các hoạt động ngoài trời, vui chơi giải trí ở biển, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao biển. Với thắng cảnh đẹp như: Gành Son, Mũi Yến, Hòn Rơm, Giếng Tiên, mũi Kê Gà, Cam Bình…
Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ khiến Bình Thuận đang trở thành “tâm điểm” đầu tư với các dự án nghỉ dưỡng đang được triển khai. Làn sóng “rót vốn” các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước khiến bộ mặt địa phương thay đổi từng ngày. Thêm vào đó, từ khi tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Phan Thiết được thông xe, gần 2 tháng qua, ngành du lịch Bình Thuận vẫn chưa hết “say nắng”, nay có thêm cao tốc tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Phan Thiết chính thức đưa vào sử dụng, là “cú hích” cho Bình Thuận phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thành quả này không phải “quà tặng” từ trên trời rơi xuống, mà chính nhờ chủ trương chính sách của tỉnh, về lợi thế điều kiện tự nhiên, về giao thông hiện nay, về các sản phẩm lịch sử – văn hóa và các lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại tỉnh như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, lễ hội dinh Thầy Thím, lễ hội Rước đèn Trung thu… với các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng: tháp Chăm PosahInư, lầu Ông Hoàng, Vạn Thạnh Long, di tích nghệ thuật Thanh Minh Tự, miếu Ngũ hành. Đặc biệt, Bình Thuận còn ghi dấu ấn với Khu di tích Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Phan Thiết), khu căn cứ Lê Hồng Phong (Bắc Bình), khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ ở Salon (Hàm Thuận Bắc).
Không chỉ vậy, Bình Thuận còn có nhiều di sản văn hóa quý giá như: các làng nghề truyền thống dệt, gốm đồng bào Chăm, các điệu hò Bã Trạo của cư dân vùng biển, văn hóa Cồng Chiêng của dân tộc K’ho, RăcLay, khèn bầu, trống Paranưng, đàn Chapi… Nét đặc trưng trong du lịch văn hóa của Bình Thuận có thể kể đến đó là ẩm thực, với những làng nghề làm nên thương hiệu lớn: nước mắm Phan Thiết. Đặc biệt, do đặc điểm là nơi giao nhau giữa các dòng đối lưu dưới đáy biển nên Bình Thuận có nhiều hải sản ngon, như: Cua huỳnh đế, mực một nắng, cá bóp, cá đục, cá liệt dầu… hấp dẫn du khách thập phương. Đây là điều kiện tốt để Bình Thuận phát triển sản phẩm du lịch khám phá biển đảo kết hợp thưởng thức ẩm thực và văn hóa mang đặc trưng của địa phương.
Ngoài ra, Bình Thuận còn có lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái với hệ sinh thái đa dạng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kou (Hàm Thuận Nam), hồ Núi đất (La Gi), thắng cảnh hồ Hàm Thuận – Đa Mi có khí hậu mát độc đáo gần giống Đà Lạt; đồi cát Hòa Thắng, Suối Tiên (Phan Thiết) được ví như “Tiên cảnh giữa sa mạc” có sự kiến tạo tự nhiên độc đáo giữa nước và cát; giữa biển và rừng…
Bình Thuận có vị trí thuận lợi để liên kết phát triển du lịch với các địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Với bờ biển dài 192 km; có đảo Phú Quý; có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, cùng với môi trường tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hệ động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử – văn hóa, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng qua các năm, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ La Gi đến Tuy Phong; các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch – Thể thao biển mang tầm quốc gia. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh nỗ lực hết mình cho thành công Năm Du lịch quốc gia 2023: “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.
Tuy nhiên, ngành du lịch Bình Thuận sẽ nhận thấy rằng, các sản phẩm du lịch có quá ít và đơn điệu, khó níu chân du khách về lâu dài. Do đó, đây cũng là cơ hội để những địa điểm du lịch Bình Thuận xích gần với các thành phố lớn và khu vực có thể tạo đà vươn mình, sánh ngang với những “thủ phủ” du lịch phải di chuyển bằng máy bay, trong muôn vàn lựa chọn của du khách thông qua đường giao thông khác nhau. Tất nhiên, các tỉnh lân cận cũng không thể đứng yên nhìn Bình Thuận “hốt bạc”, mà phải “tự thay đổi” và bổ sung nhằm tạo ra sản phẩm có chi phí thấp hơn với lợi thế so sánh của từng địa phương, cũng như khả năng xác định được chính xác vị trí của mình trong cạnh tranh.
Thời gian tới, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, do vậy cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc thù điểm đến Bình Thuận. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch điểm đến. Hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa phương bằng các chính sách rõ ràng và cụ thể của tỉnh nhà.
Quá trình hình thành và phát triển của du lịch Bình Thuận là cả một chặng đường dài, là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân Bình Thuận, đồng thời có sự ủng hộ của các nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước đã đến “góp sức” cho sự phát triển của du lịch tỉnh nhà. Với quyết tâm làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, Bình Thuận đã tạo niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng và phát triển các dự án bất động sản tầm cỡ, tiêu chuẩn quốc tế cùng các dịch vụ, tiện ích đi kèm, để du lịch Bình Thuận dần định vị được thương hiệu, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét. Qua đó góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.