UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 4755/UBND-DA gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tình hình triển khai thực hiện các Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (tuyến Vành đai 4).
Theo báo cáo này, hiện các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cụ thể: đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn: UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền, chiều dài khoảng 18,17km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 7.972 tỷ đồng; đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên) thuộc tỉnh Đồng Nai: có chiều dài khoảng 45,54km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.151 tỷ đồng.
Đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên) trên tỉnh Bình Dương: chiều dài 47,45km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.827 tỷ đồng. Hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.
Đoạn cầu quan sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (bao gồm cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn và cầu kênh Thầy Cai), UBND TP. Hồ CHí Minh là cơ quan có thẩm quyền, có chiều dài khoảng 17,3km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) theo phương án hướng tuyến kiến nghị) khoảng 14.089 tỷ đồng.
Đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền, chiều dài khoảng 78,3km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 67.024 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ các địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc: chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án tuyến Vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên giữa Đồng Nai và Bình Dương, cầu giữ tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ngoài ra còn có khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; tỷ lệ vốn ngân sách tham gia hỗ trợ dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có ý kiến hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả khả thi các dự án tuyến Vành đai 4 bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, phù hợp với quy hoạch được duyệt và đồng bộ về các yếu tố kinh tế kỹ thuật trên toàn tuyến; phối hợp với UBND các tỉnh trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung các dự án tuyến Vành đai 4…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/kien-nghi-xay-dung-cac-co-che-chinh-sach-dac-thu-ap-dung-chung-cho-cac-du-an-vanh-dai-4-tp-ho-chi-minh-i384738/