(CLO) Chiều ngày 7/2, thực hiện Chương trình công tác năm 2025, để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm trưởng đoàn đã đến làm việc với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí.
Tại buổi làm việc, đồng chí Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có cuộc khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã kịp thời thông tin đến Quốc hội, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí những tồn tại, bất cập trong thực tiễn và có đề xuất, kiến nghị; trong đó có kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016.
Thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) tới đây.
Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, đại diện các đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị thiết thực vào dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Các ý kiến đều khẳng định sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Báo chí 2016. Bởi thực tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ, thực tiễn hoạt động báo chí đã có nhiều thay đổi, từ loại hình báo chí, các phương tiện, nền tảng, đến cách tiếp cận thông tin của độc giả, các quy định trong Luật hiện hành không còn phù hợp; nhiều quy định cần điều chỉnh, bổ sung như: báo chí số, kinh tế báo chí, tổ hợp báo chí - truyền thông…
Trong đó nổi bật là vấn đề thể chế pháp luật liên quan đến kinh tế báo chí, Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm tiến bộ, nhưng nội dung liên quan chỉ đề cập mang tính nguyên tắc, chung chung; các văn bản khác liên quan đã được ban hành song hiện vẫn vướng chủ yếu do sự phối hợp và cách hiểu văn bản khác nhau… Việc đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế cũng được góp ý rất cụ thể.
Còn về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, các đại biểu cũng cho rằng nên quy định cụ thể, khu biệt rõ và quy định tỷ lệ % thông tin theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và tỷ lệ % thông tin về các sự kiện chính trị, hoạt động lớn của Nhà nước…
Ngoài ra, về hoạt động báo chí trên mạng, các ý kiến cũng cho rằng, để báo chí phát triển tốt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, thì phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Theo đó, cần làm rõ hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí…
Một trong những vấn đề được quan tâm và đề nghị làm rõ trong Luật báo chí sửa đổi là mô hình tổ hợp Báo chí- Truyền thông. Luật Báo chí 2016 đã có cơ chế để các cơ quan báo chí có thể thành lập tổ hợp truyền thông, báo chí lớn. Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa đưa ra quy định, điều kiện cụ thể đối với việc thành lập và cơ chế quản lý, hoạt động phù hợp để có thể phát triển mô hình này… Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu cũng trăn trở về việc một số địa phương thực hiện việc sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật như Hà Giang, Lạng Sơn… Việc sáp nhập này hoàn toàn mang tính cơ học, không đảm bảo việc “Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội” theo tinh thần Chỉ thị 43 của Ban Bí thư...
Sau khi lắng nghe những đóng góp từ phía các lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị trực thuộc cơ quan Trung ương Hội, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, qua ý kiến của các đơn vị có thể nhìn thấy bức tranh đầy đủ về hoạt động báo chí, cũng như hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay. Ông nhấn mạnh thêm việc quản lý các phóng viên thường trú ở các địa phương cần điều chỉnh sao cho hợp lý hơn vì hiện nay mỗi báo, tạp chí có phóng viên thường trú ở các địa phương nhưng không có văn phòng đại diện, không có văn phòng thường trú ở địa phương. Ở mỗi địa bàn lại có công tác quản lý khác nhau, vì thế cần quy định rõ mô hình của văn phòng đại diện, văn phòng thường trú để thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Lợi cũng đề nghị làm rõ, phân định rõ khái niệm, sự khác biệt giữa các báo, tạp chí và tạp chí điện tử để có các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Về sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo Việt Nam đã có 2 công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị không nên sáp nhập. Đây là 2 lĩnh vực khác nhau, có chức năng nhiệm vụ khác nhau, không thể sáp nhập...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng đánh giá cao những ý kiến góp ý của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng chí cho đây là “những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn, có giá trị tham khảo cao với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình xây dựng Báo cáo thẩm tra bảo đảm khách quan, đa chiều, hướng đến dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chất lượng để trình Quốc hội”.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng mong muốn và đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Báo chí (sửa đổi), để khi Luật ban hành đi vào cuộc sống sẽ tác động tích cực đến hoạt động báo chí. “Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành luật báo chí thì phải tổng kết, đánh giá; với những chính sách mới, cần có nghiên cứu đánh giá tác động, mục tiêu cuối cùng là tạo hành lang thuận lợi cho báo chí phát triển trong bối cảnh mới” - đồng chí Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Hà Vân- Sơn Hải
Nguồn: https://www.congluan.vn/kien-nghi-tam-huyet-tao-hanh-lang-thuan-loi-cho-bao-chi-phat-trien-trong-boi-canh-moi-post333508.html
Bình luận (0)