DNVN – Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Dự thảo) do Bộ Tài chính soạn thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số kiến nghị, trong đó có đề xuất mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất thay vì chỉ giảm tiền thuê.
Mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất
Về chính sách miễn giảm tiền thuê đất, theo Điều 40 của Dự thảo, các dự án đầu tư sẽ được giảm 80% tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 3 năm. Sau thời gian này, các dự án sẽ được giảm tiền thuê đất ở các mức khác nhau và thời gian khác nhau tuỳ thuộc vào việc dự án đó thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện khó khăn…
VCCI cho rằng, so với chính sách hiện hành tại Nghị định 46 sửa đổi bởi Nghị định 135 thì chính sách miễn giảm tại Dự thảo kém hấp dẫn hơn. Theo quy định hiện hành, nhiều trường hợp nêu trên sẽ được miễn, chứ không chỉ giảm tiền thuê đất trong một số năm nhất định.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất, thay vì chỉ giảm tiền thuê bởi một số lý do.
Cụ thể, việc sử dụng các công cụ thuế và tiền thuê đất để thu hút đầu tư vào những địa bàn khó khăn hoặc những lĩnh vực đặc biệt ưu đãi vẫn là biện pháp hiệu quả. Việc giảm biện pháp ưu đãi đầu tư này cần hết sức cân nhắc tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và lĩnh vực cụ thể.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất, thay vì chỉ giảm tiền thuê.
Thời điểm xây dựng cơ bản thường là giai đoạn khó khăn nhất về dòng tiền đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn. Nếu chính sách miễn tiền thuê đất được tiếp tục áp dụng sẽ giúp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu thay biện pháp miễn bằng việc giảm tiền thuê đất sẽ gây phát sinh thủ tục hành chính và gây rủi ro sai sót cho cả doanh nghiệp và cán bộ thực thi. Biện pháp giảm tiền thuê đất sẽ dẫn đến việc phải xác định tiền thuê đất rồi mới tính toán giảm. Còn nếu miễn tiền thuê đất thì không cần thực hiện các bước này.
Nếu trong trường hợp cơ quan soạn thảo thấy rằng mức miễn tiền thuê đất là quá cao, cần giảm đi để phù hợp với tình hình mới thì có thể cân nhắc phương án giảm số năm được miễn tiền thuê đất, thay vì giảm tiền thuê cho mỗi năm.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn mức tăng tiền thuê đất cho mỗi chu kỳ 5 năm không vượt quá mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng không lớn hơn 15% (hoặc 20%).
Quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro tài chính, sẵn sàng đầu tư các dự án lớn, thu hồi vốn kéo dài. Quy định như vậy cũng không trái Luật Đất đai, do Luật Đất đai cho phép Chính phủ quyết định mức tăng cụ thể không quá tăng CPI. Nếu CPI tăng trên 15% thì việc Chính phủ quyết mức tăng tiền thuê đất 15% là phù hợp với luật.
Ngoài ra, theo VCCI, Điều 32.2.b của Dự thảo đang quy định theo hướng trong trường hợp có điều chỉnh quy hoạch thì tiền thuê đất của chu kỳ sau có thể tăng đến hai lần so với tiền thuê đất đã tính ổn định cho chu kỳ trước.
Cho rằng đây là mức tăng rất lớn và không bảo đảm phù hợp với Điều 153.2 của Luật Đất đai, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 32.2.b của Dự thảo.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/kien-nghi-mo-rong-cac-truong-hop-duoc-mien-tien-thue-dat/20240513095329634