VCCI kiến nghị việc hoãn xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn. Theo đó, đề xuất cá nhân nợ thuế trên 200 triệu, doanh nghiệp nợ 1 tỉ mới bị hoãn xuất cảnh.
Góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế về ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có đề xuất Bộ Tài chính nên nâng ngưỡng nợ thuế và ban hành quyết định áp dụng biện pháp này.
Hoãn xuất cảnh chỉ nên áp dụng với trường hợp có số tiền nợ thuế lớn
VCCI cho hay nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh được Bộ Tài chính đề xuất 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp là quá thấp.
Hiện nay, để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản…
VCCI khuyến nghị cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân.
Việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng được thực hiện rốt ráo sẽ mang lại hiệu quả cho công tác thu hồi nợ thuế.
Các biện pháp như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Nếu áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên mức 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Lo ngại việc cơ quan thuế xác định tiền nợ thuế chưa chuẩn xác
Theo VCCI, việc xác định một cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh nợ thuế 10 triệu đồng trên thông tin lưu trữ nội bộ tại cơ quan thuế, chưa phải là một quyết định hành chính đối với người dân.
Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không ít trường hợp thông tin lưu trữ tại cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn hoặc không đầy đủ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa thực sự chính xác.
Chỉ khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế và ra quyết định hành chính thuế thì các thông tin này mới được tra soát, đối chiếu và xem xét kỹ lưỡng theo một trình tự thủ tục đầy đủ.
Kết quả của trình tự này là quyết định hành chính thuế trên đó có thể hiện số tiền nợ thuế và thời hạn nợ.
“Việc hạn chế quyền đi lại (xuất cảnh) của người dân là một biện pháp khá nghiêm trọng. Nên biện pháp này cần được thực hiện theo trình tự thủ tục chặt chẽ hơn, tức là cần có một quyết định hành chính về quản lý thuế do người có thẩm quyền ký ban hành để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Do đó, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định hành chính về quản lý thuế” – VCCI kiến nghị.
Riêng đối với trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện theo pháp luật bị tạm hoãn xuất cảnh bất kể giá trị số tiền thuế là bao nhiêu.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về ngưỡng số tiền thuế còn thiếu trong trường hợp này, ví dụ 3 triệu đồng – bằng với mức lệ phí môn bài cao nhất trong một năm. Vì trên thực tế, có những trường hợp có số nợ thuế rất nhỏ, phát sinh sau khi doanh nghiệp đã dừng hoạt động (như lệ phí môn bài).
Nguồn: https://tuoitre.vn/kien-nghi-hoan-xuat-canh-voi-ca-nhan-no-thue-tren-200-trieu-doanh-nghiep-no-1-ti-20241212225835284.htm