Theo báo cáo, Dự án Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Trung Nam Thuận Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành thương mại. Với quyết định dừng huy động 172MW của nhà máy này từ ngày 1-9-2022 với lý do chưa có cơ chế điện đồng nghĩa với việc Dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế ban đầu, gây thiệt hại cực lớn cho doanh nghiệp, theo tính toán, mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng kể từ ngày 1-9-2022 đến nay.
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có tổng công suất 450MW kết hợp đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Đến thời điểm này, dự án vẫn đang tiếp tục vận hành và giải quyết vấn đề giải toả công suất cho các nhà máy năng lượng khác tại Ninh Thuận và khu vực, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 – Vĩnh Tân.
Sự kiện dừng khai thác đã gây ra thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và kéo dài tư tháng 9-2022 đến nay, khiến cho chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả lãi ngân hàng. Ngay sau khi nhận được quyết định dừng khai thác phần công suất 172MW của nhà máy, chủ đầu tư Dự án đã gửi kiến nghị lên các cơ quan ban, ngành liên quan. Ngay tại địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kiến nghị giải quyết dứt điểm tránh kéo dài gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trên cơ sở trao đổi với các cơ quan liên ban ngành, Ban Dân nguyện cho rằng, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động 172 MW là vi phạm Điều 4, Quyết định 13/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, chưa đúng về hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực. Ban dân nguyện cho rằng việc lấy lý do chưa có giá điện là thiếu cơ sở pháp lý bởi vì, ngày 3-10-2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 về khung giá phát điện nhà máy Điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để EVN thoả thuận đơn giá mua điện đối với các doanh nghiệp đang nằm trong diện này.
Tại buổi họp, Ban Dân nguyện nhận định, với việc thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hạng mục Trạm biến áp 500kV, đường dây truyền tải 220Kv, 500kV cùng nhà máy, Công ty TNHH Trung Nam Thuận Nam đã dùng khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục truyền tải điện, giải toả công suất cho các nhà máy khác trong khu vực, đặc biệt là đảm bảo đúng thời gian, tránh cho EVN bị thiệt hại do chậm đầu tư hệ thống truyền tải cho Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1.
Việc công trình đã nghiệm thu, đi vào vận hành nhưng đến nay, EVN vẫn chưa tiếp nhận quản lý, vận hành Trạm biến áp 500kV và đường dây 500k, 220kV đấu nối đã khiến cho doanh nghiệp này tiếp tục chịu chi phí quản lý, vận hành hạ tầng truyền tải với chi phí lên đến 20 tỷ đồng/năm khiến cho áp lực trả nợ ngân hàng càng trở nên căng thẳng. Từ đó, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận Trạm biến áp 500kV và đường dây truyền tải 220kV, 500kV do Công ty TNHH Thuận Nam Trung Nam đầu tư xây dựng sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận và thực hiện việc quản lý vận hành.
Cũng tại buổi làm việc, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW trở lại theo đúng cam kết của Hợp đồng bán điện cũng như sớm hoàn thành dứt điểm việc xác định mua bán giá điện đối với các dự án Điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là việc cấp bách ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và khiến cho họ đang đứng trên bờ vực phá sản.
HƯƠNG TRUNG