Một tiết học của học sinh lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh.
Xem xét sửa đổi quyết định 47/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực giáo dục, một lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương ban hành chế độ chính sách để thu hút sinh viên theo học ngành Sư phạm, tạo nguồn tuyển dụng cho các địa phương. Các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét đưa nguồn sinh viên học tại các trường sư phạm theo nhu cầu của các địa phương, hỗ trợ chi phí học tập và bố trí công tác sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, các sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét tham mưu sửa đổi Quyết định 47/2012/QĐ-UBND ngày 22.10.2012 của UBND tỉnh theo hướng giảm số lượng phó giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường từ 2 phó giám đốc còn 1 để địa phương điều động phó giám đốc trở lại vị trí giáo viên đứng lớp giảng dạy. Điều này vừa góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên, vừa giảm chi ngân sách đối với các khoản phụ cấp cho đối tượng này.
Ở đơn vị trường học, đại diện Trường THPT Nguyễn Trãi kiến nghị “Sở GD&ĐT tuyển dụng, phân bổ đủ số lượng giáo viên, nhân viên để bảo đảm hoạt động tại đơn vị”. Trường này hiện thiếu 6 giáo viên ở các môn Lịch sử, Toán, Ngữ văn và Vật lý.
Theo đại diện Trường THCS Lộc Hưng, UBND thị xã Trảng Bàng nên tuyển dụng giáo viên hằng năm theo hình thức bổ nhiệm về các trường còn thiếu giáo viên, vì nếu tuyển dụng theo nguyện vọng như hiện nay, đơn vị nói riêng và các trường vùng khó khăn sẽ không có giáo viên mới đăng ký về.
Tại Châu Thành, lãnh đạo UBND huyện cũng kiến nghị xem xét, điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Trong đó, cần gắn với tình hình thực tế của địa phương trong từng năm, bảo đảm mục tiêu đủ số lượng người làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cần gắn với định mức, số lượng giáo viên ở mỗi cấp học. Cần tuyển dụng giáo viên đủ về số lượng cũng như chất lượng để bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đại diện Trường mầm non Hoà Thạnh đề nghị “bố trí đủ số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích riêng cho giáo viên mầm non, đặc biệt vùng biên giới để giáo viên yên tâm công tác”.
Trong khi đó, đại diện Trường mầm non Thanh Điền nêu nguyện vọng: “HĐND tỉnh cần thêm chính sách ưu đãi riêng cho cấp học mầm non để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác và tạo điều kiện để thu hút sinh viên đến với ngành học mầm non nhằm đáp ứng đủ số lượng giáo viên theo quy định”.
Cán bộ, giáo viên Trường mầm non Hoạ Mi (Tân Biên) nêu ý kiến: “quan tâm chế độ, chính sách thu hút cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên công tác tại trường có điều kiện khó khăn, vùng biên giới, cách xa trung tâm huyện”.
Để khắc phục phần nào câu chuyện thiếu giáo viên, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu “hiến kế”: UBND tỉnh xem xét cho chủ trương Trường CĐSP Tây Ninh liên kết với các trường đại học trong khu vực đào tạo nguồn giáo viên tại tỉnh nhà để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hằng năm.
UBND tỉnh có chính sách thu hút, hỗ trợ đối với giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo học ngành sư phạm. Sở GD&ĐT cần điều chỉnh thù lao đối với giáo viên thỉnh giảng, vì mức thù lao đang áp dụng hiện nay quá thấp, không còn phù hợp với thực tế.
Đại diện Trường mầm non Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) kiến nghị cần có kế hoạch đào tạo thêm giáo viên mầm non để đáp ứng nhu cầu hằng năm cho các trường đủ theo quy định. Đáng chú ý, đại diện nhà trường nêu: cần có chế độ lương, phụ cấp tương xứng với văn bằng và công việc đặc thù của ngành mầm non.
Đề nghị giữ nguyên độ tuổi hưu đối với giáo dục mầm non vì đây là cấp học đặc thù, nếu như lộ trình nghỉ hưu 60 tuổi cho nữ đối với giáo dục mầm non thì khả năng đứng lớp, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sẽ rất nhiều hạn chế.
Trong khi đó, đại diện Trường mầm non xã Phan đề nghị cho nhân viên nấu ăn được hưởng lương từ nguồn ngân sách hoặc được chi trả lương, các khoản đóng góp trong 3 tháng hè.
Trên cơ sở số liệu, thông tin từ địa phương, đơn vị trường học, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, hầu hết các địa phương đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, tỷ lệ bố trí giáo viên chưa đủ theo quy định- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đó thiếu nhiều nhất là môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Ngữ văn, Tổng phụ trách Đội…
“Chưa có chính sách đãi ngộ cho giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn, trong khi cơ chế lương như hiện tại rất khó cho giáo viên an tâm công tác lâu dài cũng như thu hút giáo viên ở nơi khác đến giảng dạy (các trường mầm non Tân Khai, Hoạ Mi thuộc huyện Tân Biên; Trường mầm non Hoà Thạnh, huyện Châu Thành; Trường mầm non Rạng Đông, thị xã Trảng Bàng).
Công tác tuyển dụng giáo viên hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu theo chỉ tiêu kế hoạch do nguồn tuyển rất hạn chế”- Thường trực HĐND tỉnh chỉ rõ. Một số trường phải thỉnh giảng giáo viên từ các đơn vị khác, từ đó khó sắp xếp thời khoá biểu vì phải theo lịch của các đơn vị khác, kinh phí chi trả thỉnh giảng nhiều làm ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị (Trường THCS Nguyễn Công Trứ- huyện Tân Biên; Trường THPT Dương Minh Châu- huyện Dương Minh Châu; Trường THPT Nguyễn Trãi- thị xã Trảng Bàng).
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng chương trình mới
Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, hiện nay, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hầu hết các trường chưa được trang bị các trang thiết bị theo quy định nên gặp khó khăn trong công tác dạy và học, chủ yếu chỉ dạy lý thuyết, chưa có hình ảnh trực quan.
Một số trường học chưa có đủ phòng học, phòng chức năng, phương tiện, thiết bị dạy học chưa được trang bị đầy đủ hoặc chưa kịp thời thay thế khi bị hư hỏng (Trường THCS Gia Bình- thị xã Trảng Bàng; Trường THPT Lương Thế Vinh- huyện Tân Biên; Trường THPT Hoàng Văn Thụ- huyện Châu Thành). Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học gặp khó khăn do không đủ đội ngũ để bố trí thời lượng dạy học trên lớp.
Một số trường gặp khó khăn khi triển khai giảng dạy ở bộ môn Tiếng Anh, Tin học do thiếu giáo viên. Ở cấp THPT, việc định hướng cho học sinh khi lựa chọn tổ hợp môn theo chương trình mới gặp khó khăn khi một số bộ môn thiếu giáo viên (môn Âm nhạc, Mỹ thuật).
Mặc dù các huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên nhưng số lượng đăng ký không đạt chỉ tiêu, không có nguồn tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng không bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, mức lương giáo viên mới ra trường còn thấp nên khó thu hút giáo viên đăng ký.
Chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên còn hạn chế, rất khó giữ chân giáo viên có kinh nghiệm- đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Số giáo viên nghỉ hưu theo quy định, nghỉ việc vì sức khoẻ không bảo đảm, vì lý do cá nhân ngày càng nhiều dẫn.
Từ thực trạng nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến một số vấn đề. Cụ thể, xem xét kiến nghị bộ, ngành Trung ương có liên quan trình Chính phủ ban hành chế độ, chính sách để thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm, tạo nguồn tuyển dụng cho các địa phương; chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện tốt giải pháp cơ cấu lại, sắp xếp một cách hợp lý để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương và một số cơ sở giáo dục.
Chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở các vùng xa, vùng khó khăn để giáo viên an tâm công tác. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều chuyển giáo viên ở một số trường thừa giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Điều chỉnh chế độ đối với giáo viên thỉnh giảng, vì mức thù lao đang áp dụng hiện nay quá thấp.
Việt Đông