Báo cáo về kế hoạch phát triển GD-ĐT và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Sở GD- ĐT TP TP HCM cho biết ngành GD-ĐT TP hiện có hơn 91.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và trên 1,7 triệu học sinh các cấp học. Ngành có quy mô lớn với những điều kiện thuận lợi và cả những khó khăn của một thành phố năng động, phong phú, có nhiều áp lực về chất lượng cao theo yêu cầu phát triển của xã hội.
Với những đặc thù trên, để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch trong thời gian tới, Sở GD-ĐT thành phố kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch 06/2015 về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, cụ thể cần đảm bảo phải có đủ 3 người đối với 3 vị trí việc làm: Kế toán, văn thư và y tế trường học.
Điều chỉnh Thông tư 13/2020 của Bộ GD-ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Cụ thể, cho phép TP HCM được tính diện tích sàn xây dựng/trẻ.
Sở GD-ĐT TP cũng kiến nghị điều chỉnh Nghị định 46/2017 của Chính phủ vì hiện nay một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đạt trình độ chuyên môn nhưng không thể lên trường do vị trí đất xin phép thành lập trường mầm non, hầu hết không phải là đất quy hoạch giáo dục nên các đơn vị mầm non ngoài công lập chỉ tồn tại ở dạng nhóm, lớp. Đồng thời, xem xét lại thông tư quy định về trường chuẩn quốc gia đối với các tỉnh, thành phố có lượng dân nhập cư đông.
Đặc biệt, đối với Chính phủ: Ban hành nghị định cho cán bộ, chuyên viên công tác tại các Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành GD-ĐT.
Ngành GD-ĐT TP HCM đặt mục tiêu đến 2025 đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), 80% trường tiểu học được học 2 buổi/ngày, 60% trường THCS và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày trên mỗi quận, huyện.
Ngoài ra, đến năm 2025, thành phố cũng đặt mục tiêu 90% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 99% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi; giảm tỉ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%. Có ít nhất 24 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện theo chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; các trường trên địa bàn TP phấn đấu xây dựng mô hình trường học thông minh.
Đặc biệt, đến năm 2025, 50% học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế; 90% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 30% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế…
Nguồn: https://nld.com.vn/tp-hcm-kien-nghi-can-bo-chuyen-vien-tai-so-phong-gd-dt-duoc-huong-phu-cap-tham-nien-196240812154311442.htm