Đã có hơn 800 lao động nghèo được hỗ trợ tư vấn việc làm
Thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”, tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2023. Theo đó, thực hiện tiểu dự án 4.3, tỉnh đặt mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên huyện nghèo.
Trong báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, gửi Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), Sở LĐTBXH tỉnh đã có những báo cáo cụ thể về tốc độ triển khai tiểu dự án này.
Theo đó, để thực hiện nội dung này, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện, kiện toàn đến 8/8 huyện, thành phố. Triển khai Tiểu dự án 4.3, năm 2022 tỉnh được phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 1.027 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2.566 triệu đồng.
Kết quả giải ngân Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” là hơn 338 triệu đồng, đạt 2,4% kế hoạch. Một số các huyện đã triển khai chương trình là: Huyện Đắk Glong; Đắk Mil; Cư Jút; Krông Nô:; Sở LĐTBXH… trong đó, Sở LĐTBXH có tỷ lệ giải ngân cao nhất hơn 136 triệu đồng phục vụ mở lớp tuyên truyền, in, cấp phát tài liệu và tham dự hội nghị tập huấn… Các địa phương còn lại đang triển khai thực hiện, xin chuyển nguồn qua 2023 nên đến thời điểm hiện tại chưa thực hiện giải ngân. Nội dung chủ yếu thực hiện các phiên giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động.
Khi triển khai Tiểu dự án 4.3, đã có khoảng 800 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ chương trình, dự án nêu trên.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong “hỗ trợ việc làm bền vững” cho lao động nghèo
Sau 1 năm triển khai tiểu dự án, đến nay tỉnh đã tăng cường thực hiện các phiên giao dịch việc làm, phổ biến thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện kết nối cung – cầu cho người lao động.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn mới 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 13.342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,97%. Có được kết quả này, một phần cũng là nhờ vào việc triển khai giảm nghèo đa chiều, trong đó có giảm nghèo chiều thu nhập thông qua việc tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Đắk Nông đề ra trong năm 2023 là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”, năm 2023 tỉnh Đắk Nông được phân bổ hơn 10,3 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là hơn 9,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 946 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, công tác triển khai tiểu dự án 4.3 cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là do nguồn kinh phí năm 2022 phân bổ chậm, bên cạnh đó Bộ LĐTBXH chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các nội dung của dự án nên kết quả triển khai còn thấp.
Kinh phí chương trình phân bổ đều cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện các nội dung trên nên có một số nội dung thực hiện sẽ bị trùng lặp giữa cấp tỉnh và cấp huyện.
“Bên cạnh đó, nội dung thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương còn gặp phải một số vướng mắc như: Độ tuổi đối tượng thu nhập thông tin, nơi đối tượng cư trú… Ngay cả kinh phí để thực hiện cập nhật thông tin người lao động vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Công an cấp xã thực hiện cũng chưa rõ ràng. Bộ Tài chính chưa quy định mức chi cho các hoạt động thu nhập, chuẩn hóa, nhập liệu về người lao động”, báo cáo của sở Đắk Nông nêu rõ.
Ngoài ra, nội dung hỗ trợ kết nối việc làm thành công chưa thực hiện được một phần do số lao động được hỗ trợ kết nối việc làm thành công qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có giao kết hợp đồng lao động thuộc các đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn 6 huyện nghèo rất ít, một phần do hiện nay tỉnh chưa ban hành đơn giá dịch vụ dịch vụ việc làm”, đại diện Sở LĐTBXH chia sẻ.
Trước thực tế này, Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Nông kiến nghị trung ương cần phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Thực hiện chương trình đảm bảo phù hợp với thực tế điều kiện huyện nghèo. Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện… để kịp thời chỉnh sửa, xử lý.
“Cũng như các địa phương khác, tỉnh kiến nghị Bộ LĐTBXH xem xét đề xuất Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46 của Bộ Tài chính. Đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể các nội dung vướng mắc triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương”, ông Hoàng Viết Nam – Phó giám đốc sở LĐTBXH ĐắK nông kiến nghị trong báo cáo.