Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục), về tội nhận hối lộ.
Hai bị can Tô Mỹ Ngọc, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, giám đốc Công ty Minh Cường Phát, đều bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ…
Chiếc ghế quen thuộc nữ chủ tịch ngồi đưa tiền trong phòng cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục
Theo lời khai của bị can Nguyễn Đức Thái tại cơ quan điều tra, hằng năm, trước khi tổ chức mua sắm giấy in, bà Tô Mỹ Ngọc đều đến gặp, đặt vấn đề để tạo điều kiện cho các công ty của Ngọc trúng các gói thầu, gói mua sắm, tiếp tục được cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo Dục.
Tại các buổi gặp, Ngọc đều hứa hẹn sẽ cảm ơn.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Thái đã nhận tổng cộng 20 tỉ đồng hối lộ từ bà Ngọc.
Ông Nguyễn Đức Thái khai nhận, lần thứ nhất, khoảng tháng 5-2017 (khi chuẩn bị có kế hoạch mua sắm giấy in), Ngọc đến phòng làm việc của ông Thái tại trụ sở Nhà xuất bản Giáo Dục.
Tại cuộc gặp này, bà Ngọc giới thiệu công ty của mình đã nhiều năm cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo Dục, nhờ ông Thái tạo điều kiện giúp đỡ, hứa sẽ không quên ơn.
Sau khi Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 gói thầu năm 2017, ngày 13-12-2017, bị can Ngọc gọi điện hẹn, được ông Thái đồng ý gặp vào sáng hôm sau tại phòng làm việc của ông Thái.
Cùng ngày, khi xuống máy bay, bà Ngọc nhắn tin cho ông Thái bảo “em vừa đến Hà Nội, hẹn lát nữa gặp anh”. Ông Thái nhắn lại “hẹn gặp Ngọc tại Nhà xuất bản Giáo Dục”.
Khi bà Ngọc đến, ông Trần Công Thanh (thư ký của Thái) báo cáo và dẫn bà Ngọc vào phòng làm việc.
Ông Thái khai rằng Ngọc ngồi ở ghế đầu tiên (dãy kê 3 ghế ngồi), để túi tiền ở dưới sàn nhà, cạnh bàn uống nước và nói: “Em có chút quà biếu cảm ơn anh đã giúp công ty trúng thầu, sang năm công ty nhờ anh giúp đỡ”. Ông Thái đáp: “Anh cảm ơn”.
Khi bà Ngọc ra về, ông Thái mở túi quà và thấy số tiền 3 tỉ đồng, gồm 6 cọc, mỗi cọc 10 thếp, mỗi thếp 50 triệu đồng, được bọc kín bằng giấy bản to. Ông Thái cất tiền tại két sắt trong phòng làm việc.
Lần thứ hai ông Thái nhận hối lộ của bà Ngọc là vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Lần này, bà Ngọc cũng đến phòng làm việc của ông Thái để thăm hỏi và cảm ơn vì đã tạo điều kiện giúp Công ty Phùng Vĩnh Hưng được dự thầu và trúng thầu.
Cũng như lần trước, bà Ngọc xách theo túi đựng tiền, một mình vào phòng làm việc của ông Thái.
Tại đây, bà Ngọc tiếp tục ngồi vào chiếc ghế cũ, nói: “Em đến cảm ơn anh đã giúp công ty được dự thầu, trúng thầu, mong các anh giúp đỡ, công ty sẽ đồng hành với Nhà xuất bản Giáo Dục trong việc cung cấp giấy”.
Sau khi khách về, ông Thái mở túi tiền thấy 4 tỉ đồng và tiếp tục cất tiền trong két sắt.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Đức Thái cũng khai nhận, lần nhận tiền thứ ba, thứ tư, thứ năm vào các năm 2019, 2020, 2021 đều giống với hai lần trước.
Bà Ngọc đến phòng làm việc của ông Thái thăm hỏi, cảm ơn vì đã nhận được sự giúp đỡ và đưa túi tiền 4 tỉ đồng/lần cho cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục.
Sau khi nhận tiền, Thái đều cất trong két sắt để ở phòng làm việc.
Ngoài ra, vào các dịp Tết Nguyên đán từ năm 2018-2022, bà Ngọc đưa cảm ơn ông Thái số tiền 200 triệu đồng/năm, tổng cộng 1 tỉ đồng.
Cả năm lần bà Ngọc đến đưa tiền cho ông Thái đều cùng một cách thức, vị trí ngồi đều ở chiếc ghế đầu tiên trong phòng làm việc của ông Thái.
Trước khi đến, bà Ngọc thường nhắn tin hoặc gọi điện để hẹn, cũng có khi liên hệ qua ứng dụng Viber.
Ngoài nhận tiền của bà Ngọc, ông Thái còn bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều lần từ ông Nguyễn Trí Minh.
Theo kết quả điều tra, ông Minh đã đưa hối lộ tổng cộng 4,9 tỉ đồng để được Nguyễn Đức Thái tạo điều kiện trúng 5 gói thầu, tổng trị giá 209 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi của các bị can đã gây thiệt hại của vụ án 10 tỉ đồng.
Sau khi giúp đỡ hai doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in, ông Thái đã nhiều lần nhận hối lộ, tổng cộng 24,9 tỉ đồng.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho kiểm soát viên tham gia giám sát trực tiếp quá trình đấu thầu”
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, mua sắm giấy để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên, thực hiện hằng năm của Nhà xuất bản Giáo Dục.
Giá giấy in chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa nên việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Bên cạnh đó, việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực và giá bán thấp.
Từ đó, hình thức mua sắm giấy in này không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Cơ quan cảnh sát điều tra đánh giá việc không quy định hoặc không quy định rõ về hạn mức áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng để ban hành hạn mức cao hơn nhiều so với quy định của Luật Đấu thầu với các hình thức lựa chọn nhà thầu như chào hàng cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh rút gọn.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thông đồng đưa các nhà thầu vào danh sách được lựa chọn, tạo điều kiện trúng thầu, nguy cơ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước”, Cơ quan cảnh sát điều tra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử kiểm soát viên tại Nhà xuất bản Giáo Dục nhưng không quy định rõ việc kiểm soát trực tiếp, tham gia vào hoạt động đấu thầu với hoạt động mua sắm thường xuyên. Từ đó, các bị can lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm trong thời gian dài.
Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo Dục.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo bộ về kết quả chọn nhà thầu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-giao-duc-va-dao-tao-kiem-soat-hoat-dong-mua-sam-thuong-xuyen-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-20240924113100528.htm