Ngày 28/8, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5, chỉnh sửa toàn diện Điều 30 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam.
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.
Đồng thời Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều này và Điều 10, Điều 16 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể việc phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan và người dân kiểm tra, thu thập, cập nhật những thông tin còn thiếu, có thay đổi hoặc sai sót để bảo đảm tính chính xác của thông tin và thống nhất trong các cơ sở dữ liệu.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tên gọi của thẻ căn cước còn 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình; Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như Luật hiện hành. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Tuy nhiên, đây là nội dung các vị Đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Đại biểu Quốc hội cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.
Liên quan đến thông tin trên thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin tại khoản 1 Điều 18 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm phù hợp và khả thi.
Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.
Đề cập về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp. Đồng thời đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định tại Điều này và các điều khoản có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.
Liên quan đến việc cấp, quản lý căn cước điện tử, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu, chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 15 Điều 3, chỉnh lý lại quy định tại khoản 2, bổ sung 3 khoản tại Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.