Hôm thứ Ba (16/1), ông Reece Pianta, người quản lý vận động tại Hội đồng các loài xâm lấn Úc (ISC), đã đưa ra cảnh báo: “Mưa lớn và thời tiết cực đoan gần đây trong khu vực có thể đẩy nhanh sự lây lan của kiến lửa, một trong những loài xâm lấn khét tiếng nhất thế giới”.
ISC đã chia sẻ một đoạn video trên mạng xã hội về những con kiến lửa di chuyển theo đội hình bè, cho thấy kiến lửa sẽ lan tới “mọi ngóc ngách của nước Úc” nếu không thể kiềm chế đợt bùng phát của chúng ở bang Queensland.
“Kiến lửa hoạt động mạnh hơn trước hoặc sau khi mưa và có thể kết thành những bè nổi lớn di chuyển theo dòng nước sang các khu vực mới”, ông Pianta nói, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác.
Những tuần gần đây, bang Queensland của Úc ghi nhận hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như tình trạng lũ lụt nặng nề. Tháng trước, thành phố Cairns ở bang này đã bị nước lũ cô lập do bão nhiệt đới Jasper mang đến những cơn mưa xối xả. Lũ lụt cũng khiến nhiều người trong số hơn 150.000 cư dân bị mắc kẹt trên mái nhà.
ISC cho biết gần đây đã nhận được cam kết của bang Victoria chi 46 triệu USD trong 4 năm để thực hiện chương trình tiêu diệt kiến lửa trên toàn nước Úc. Ông Pianta cho biết động thái này có nghĩa là việc tiêu diệt kiến lửa vẫn có thể thực hiện được.
Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, kiến lửa đỏ (tên khoa học là Solenopsis Invicta) là loài ăn tạp chuyên phá hoại mùa màng, gây hại cho vật nuôi và con người. Nếu bị đốt, nọc đọc của loài kiến lửa này có thể gây ra mụn mủ, dị ứng và thậm chí chết người. Suốt thế kỷ qua, kiến lửa đỏ đã lan rộng khắp phần lớn Mỹ, Mexico, vùng Caribe, Trung Quốc và Úc. Năm ngoái, nó được phát hiện lần đầu tiên xâm lấn sang châu Âu.
Video về kiến lửa đỏ tạo thành bè đi xâm lấn (nguồn: CNN)
X
Theo ISC, đợt bùng phát kiến lửa đầu tiên tại Úc xảy ra vào năm 2001 ở bang Queensland. Cho đến nay, nước này đã kiểm soát được 7 ổ bùng phát. ISC cho biết đặt mục tiêu là ngăn chặn các ổ dịch kiến lửa này và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên đến tháng 11 năm 2023, loài kiến này được phát hiện ở bang New South Wales (cách bang Queensland khoảng 1.200 kilomet), làm dấy lên lo ngại chúng có thể đến lưu vực sông Murray-Darling và lan rộng ngoài tầm kiểm soát.
Vào thời điểm đó, bà Tara Moriarty, người đứng đầu cơ quan nông nghiệp bang New South Wales, đã nhấn mạnh rằng “kiến lửa đỏ là loài gây hại xâm lấn khủng khiếp, gây ra tác hại nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và môi trường”.
“Các nhóm của chúng tôi đang tập trung vào việc hạn chế hơn nữa sự lây lan, đồng thời thông qua truyền thông để khuyến khích người dân tuân thủ và báo cáo”, bà nói thêm.
Kiến đỏ có thể tự lan rộng nhanh chóng. Song, sự lây lan của chúng thường được đẩy nhanh hơn bởi hoạt động của con người, chẳng hạn như khi chúng lẩn trốn trong các chậu đất, chậu cây hay thùng hàng hóa được vận chuyển đến nơi khác.
Ngọc Ánh (theo CNN)