Khách du lịch tại khu sinh thái Đồng Sen Đất Hòn, huyện Hòn Đất.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Nguyễn Chí Thanh, Kiên Giang phát triển mạnh du lịch biển, đảo với lượng khách, doanh thu đều ấn tượng. Tuy nhiên, về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, Kiên Giang dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa khai thác tốt.
Với mong muốn nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch, nhất là loại hình du lịch nông nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hóa và môi trường, đoàn cán bộ ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại khu du lịch Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.
Trong chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm, các đơn vị thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn đa dạng sinh học; kinh nghiệm quản lý, xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay; quy trình xây dựng, phát triển loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng và lưu ý trong quá trình tổ chức tiếp đón, bố trí nghỉ đêm, ăn uống, sinh hoạt…
“Sau chuyến công tác, Sở Du lịch khảo sát tại các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch nông thôn trong tỉnh để xây dựng điểm du lịch theo quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh để tiếp tục đầu tư, hình thành và khai thác hiệu quả loại hình du lịch này”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói.
Đoàn cán bộ ngành du lịch tỉnh Kiên Giang trải nghiệm dịch vụ du lịch trong chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại khu du lịch Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.
Theo đồng chí Huỳnh Phước Tỷ – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện U Minh Thượng, mô hình du lịch Tràm Chim có nhiều nét tương đồng với U Minh Thượng. Vì vậy, người dân vùng đệm U Minh Thượng có thể đến đây để tìm hiểu cách làm du lịch. “Theo tôi, U Minh Thượng sẽ phát triển tốt mô hình du lịch như ở Tràm Chim vì địa phương có nhiều lợi thế bổ trợ như di tích lịch sử cách mạng, văn hóa… Nếu U Minh Thượng liên kết được những yếu tố này sẽ khai thác tốt du lịch nông thôn”, đồng chí Huỳnh Phước Tỷ nói.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện An Minh Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, có khu vực rừng tràm tiểu khu 33, 34 và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển…, An Minh (Kiên Giang) có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, homestay khác biệt.
“Thời gian tới, chúng tôi họp dân, triển khai kế hoạch phát triển du lịch địa phương để tạo sự đồng thuận chung, thành lập tổ hợp tác du lịch trong khu vực rừng tiểu khu để khai thác tốt mô hình du lịch cộng đồng”, đồng chí Nguyễn Trọng Hưng nói.
Kiên Giang có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn. Ngoài diện tích nông thôn lớn, trải dài khắp các địa phương còn có nhiều cảnh đẹp, ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình… là tiền đề quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, thu hút du khách.
Khách du lịch trải nghiệm tại trang trại lúa mùa Tư Việt, huyện Châu Thành.
Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi mới, mang lại làn gió mới, sức sống mới cho người dân nông thôn cả nước. Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông thôn, không chỉ Kiên Giang mà các nơi muốn khai thác tốt loại hình du lịch này cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng, miền, có tính trải nghiệm và giá trị theo định hướng của thị trường và phù hợp nhu cầu của từng đối tượng…
Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền là một trong những nhiệm vụ chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra. Để khai thác tốt loại hình du lịch này, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt 3 đề án gồm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống và phát triển du lịch gắn sản phẩm OCOP. 3 đề án này đang được Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang và các địa phương thực hiện.
“Kiên Giang hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường. Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa; phục dựng mô hình sản xuất đặc sản, sản phẩm truyền thống… để phục vụ du khách thông qua trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng…”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU