Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường trong và ngoài nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh có 269 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong số đó, có 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Hiện tại, có hơn 90% sản phẩm OCOP đưa vào sàn thương mại điện tử để kinh doanh; đồng thời, một số chủ thể tổ chức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và thị trường đầu ra các sản phẩm khá ổn định.
Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng có 53 thành viên, sản xuất trên diện tích 67ha, sản lượng dứa mỗi năm thu hoạch 1,4 triệu trái/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, nghề trồng dứa được hình thành từ năm 2016, khi huyện có chủ trương chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất nhiễm phèn sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng dứa.
Tuy nhiên, từ năm 2021 trở về trước đầu ra trái dứa không ổn định và giá khá thấp, chỉ từ 5.000-7.000 đồng/trái, người trồng có lãi khá thấp, thậm chí có hộ đạt năng suất thấp còn bị lỗ vốn. Từ năm 2022 đến nay, dứa của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết đầu ra với mức giá ổn định giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP giá dứa bấp bênh và thương lái thường ép giá nên nông dân khó có lãi. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay thương hiệu dứa Vĩnh Phú được một số công ty đặt hàng thu mua để cung ứng cho các siêu thị nên giá bán cao và ổn định hơn trước rất nhiều. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay giá dứa trái loại 1 từ 11.000-14.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ha dứa, nông dân trong hợp tác xã thu nhập khoảng 150 triệu, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.
Ngó riềng là sản phẩm đặc trưng của người Khmer ở ấp Giồng Đá, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng. Sản phẩm được bà con trồng và khai thác hơn 10 năm qua, nhưng do chưa có thương hiệu, được bán lẻ ở các chợ quê với giá khá thấp, từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Đầu năm 2023 đến nay, khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ngó riềng được thương lái đến tận vườn thu mua để cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị nên giá nhà vườn bán tăng lên 80.00-90.000 đồng/kg, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
“Ngó riềng này là sản phẩm sạch do không sử dụng phân bón và thuốc hóa học nên ăn rất tốt cho cho sức khỏe. Nhất là chế biến cùng thịt bò, thị trâu, thịt gà. Vì vậy, những ai đã dùng qua ngó riềng sẽ rất thích. Tuy nhiên, do đây là nông sản đặc trưng chỉ được người dân vùng đồng bào Khmer dùng nên thị trường đầu ra hạn chế. Rất may sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, nhiều người biết đến nên giá bán tăng lên giúp người trồng thu nhập hàng chục triệu đồng/công (1.000 m2)”, bà Hồng nói.
Ông Đinh Quốc Đoàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, cho biết trên địa bàn huyện hiện có 28 sản phẩm OCOP và hầu hết được làm ra từ các loại nông sản như: cây ăn trái, cá khô, bánh mức từ hoa quả…
Trong những năm qua, huyện chú trọng hỗ trợ nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm OCOP để xúc tiến thương mại, mở rộng ra các thị trường; tổ chức tập huấn cho các chủ thể để người dân quảng bá và thực hiện bán hàng online để tiêu thụ được nhiều sản phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm OCOP của Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
(TTXVN/Vietnam )
nguồn: https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-dua-hon-90-san-pham-ocop-len-san-thuong-mai-dien-tu-post994890.vnp